Avatar's bai_tu_long

Ghi chép của bai_tu_long

Nước mắt của một 'ác bá'

Tháng 7/2012, tôi đi làm một phóng sự điều tra về thực trạng hoạt động của bộ máy cán bộ cơ sở tại một tỉnh miền trung. Đó là thời điểm vừa xuất hiện bài viết về một xã có 500 cán bộ ở Thanh Hóa.

Bài viết ấy khiến dư luận phẫn nộ: chính quyền xã đã thu của dân nhiều khoản phí trái luật để nuôi một bộ máy cồng kềnh. Thậm chí đến cả cấp thôn cũng tự ý đặt ra các khoản thu riêng. Sau bài đó nhiều người ví những cán bộ ở đây là một đội ngũ “cường hào ác bá mới” - những kẻ chỉ ăn không ngồi rồi, thiếu dân chủ, xa hoa và truy thu của dân đến từng đồng, cắc.

Khi về Quảng Vinh, Thanh Hóa tôi cũng từng có một niềm tin giống với dư luận nhưng rồi ở đó tôi lại nhìn thấy một thực tế phức tạp hơn nhiều so với những gì đã hình dung.

Bà Lê Thị Kim, chi hội phó chi hội cựu chiến binh thôn 3, tiếp tôi trong một căn nhà tuềnh toàng như bao hộ nghèo khác của xã biển Quảng Vinh. Bà mở cho tôi xem cuốn sổ công tác của mình. Cuốn sổ ghi chằng chịt những công việc mà bà phụ trách, từ đi thu quỹ ủng hộ, đi phát động người dân tham gia các phong trào của xã, huyện, đi thống kê đối tượng theo tiêu chí điều tra của cấp tỉnh, cấp trung ương và vô vàn việc vặt khác. Những công việc đó bà Kim gọi là “làm đầu sai”cho chính quyền cấp xã và chúng thực ra tốn sức hơn rất nhiều so với mức phụ cấp mà bà được trả - 50.000 đồng một tháng.

Bà Kim cũng không biết rằng mức phụ cấp của bà được lấy ra từ những khoản phí trái phép mà thôn, xã thu của người dân. Khi tôi hỏi bà nghĩ sao khi những cán bộ như bà bị ví với cường hào, ác bá, người phụ nữ gày gò và lam lũ ấy đã chỉ bật khóc.

Sau này, tôi được biết Thanh Hoá đã có công văn giải trình thực tế không hoàn toàn đúng như những gì bài viết nêu và dư luận đồn thổi.

Cho đến giờ, sau khi đã thực hiện nhiều phóng sự điều tra về tình trạng lạm thu ở nông thôn tôi nhận ra một thực tế: có rất nhiều khoản thu trái pháp luật lại là phương thức duy nhất để chính quyền xã duy trì hoạt động. Ví dụ: trong khi những người như bà Kim không có tên trong danh sách cán bộ của Bộ Nội vụ, và không được bố trí ngân sách hoạt động theo Nghị định 192 thì sự tồn tại của họ lại được quy định trong điều lệ hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội.

Từ hội cựu chiến binh, hội nông dân, hội phụ nữ hay đoàn thành niên… tổ chức nào cũng quy định rằng mình phải có chi hội trưởng cho đến cấp thôn. Tương tự dù Nghị định 192 không quy định có chức danh nhân viên an ninh bảo vệ thôn hay thôn đội trưởng thì những chức danh này lại được quy định bằng các thông tư của liên bộ Tài chính - Công an - Lao động Thương binh Xã hội (thông tư 02/2007) hay Luật Dân quân tự vệ. 

Một vấn đề khác cũng dẫn đến lạm thu ở nông thôn là thu phí để xây dựng các công trình hạ tầng theo chủ trương “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Mới đây theo báo cáo của kiểm toán nhà nước về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, nợ đọng xây dựng cơ bản của các địa phương đã lên tới gần 17.000 tỷ đồng. Như vậy có thể hiểu rằng nhiều địa phương do không muốn lạm thu (hoặc dù đã lạm thu) nhưng đến giờ vẫn không thể đủ tiền trả các khoản nợ khi xây dựng nông thôn mới. Những chính quyền xã đó giờ biết sẽ phải kêu ai? Lấy tiền đâu để trả nợ nếu như không phải là tiếp tục "huy động" của người dân?

Bốn năm trước khi bình luận về việc này, tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng từng đặt ra cho tôi câu hỏi: Khi bắt dân phải đóng tiền để xây dựng các công trình hạ tầng ở địa phương liệu các chính quyền xã có lựa chọn công trình dựa vào ý kiến của những người nộp tiền? Hay chỉ đơn giản là căn cứ theo các tiêu chí mà cấp trên đã giao cho họ trong quy định của chương trình nông thôn mới?

Lạm thu đang là một trong những vấn đề dễ gây khiếu kiện ở nông thôn, rất nhiều quan chức cấp xã đã bị cách chức, thậm chí đi tù vì lạm thu nhưng câu hỏi đặt ra là vì sao tình hình này vẫn không thuyên giảm? Cá nhân tôi, với tư cách là một người từng trao đổi với rất nhiều quan xã, dám khẳng định rằng: đa số họ không phải là ác bá. Họ cũng không muốn lạm thu nhưng họ bị kẹt giữa nhân dân và những ý chí chính trị “cấp trên giao phó” đôi khi không phù hợp thực tiễn.

Bà chi hội phó gày gò tôi gặp năm nào có thể giờ này đã “thôi chức”. Nhưng rồi vẫn sẽ phải có ai đó đứng lên làm cái vai mang tiếng ác ấy từ việc thu tiền của người dân. Vì mong muốn chính trị tạo nên giọt nước mắt của bà, chưa thay đổi.

http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/nuoc-mat-cua-mot-ac-ba-3445325.html

2795 ngày trước · Bình luận · Loan tin
phanthithuydung , SuperSliver2 người nữa
·  

8 bình luận

  • tóm lại do quy trình, do cấp trên .... tích phân vài lớp nữa thì thành ra do ....
     
  • tít nên dùng dấu trừ - thay cho các ký tự đặc biệt như nháy đơn, nháy kép vì sẽ bị LH convert ra nhìn rất tởm , lỗi 9 năm chưa sửa
     
  • Riêng việc nn và nhân dân cùng làm sai ở chỗ sau khi thu tiền xong không minh bạch và thu chi cùng với việc chọn thầu. Ở một số nơi em thấy thực hiện tốt, người dân thoả mãn nhưng vấn đề ở chỗ quy trình không công khai nên dễ nảy sinh tiêu cực.
     
  • Mình chỉ thắc mắc tại sao cũng quy định y chang thế cả nước mà chỉ có mấy vùng bị than nhiều. Dân ở đó nghèo quá hay là cán bộ thực sự có vấn đề? Thêm vào đó, sau những bài viết kiểu "ngồi nhà phóng tác" của cu Trí thì mấy bài thông cảm cho cán bộ này cũng không gây động lòng tí nào
     
  • Lỗi này là lỗi của tập thể
     
  • nước mắt của amp là của lão nào nhỉ ?
     
  • Khổng Minh nghẹn ngào mãi mới đọc hết , đọc xong gục mặt xuống đất khóc lóc như mưa , thảm thương vô cùng , đầu tóc rủ rượi , muốn cho các tướng đang tức giận muốn ăn tươi nuốt sống Khổng Minh cũng phải nói với nhau :
    - Người ta cứ nói Công Cẩn( chu du) với Khổng Minh bất hòa , nhưng nay xem như vậy , thì có lẻ là thiên hạ xét sai .
    Lỗ Túc cũng nghĩ trong bụng :
    - Khổng Minh bi thiết như vậy , lòng dạ chắc tốt , chẳng qua Công cẩn hẹp lượng nên mình hại mình đấy thôi !
    Phúng điếu xong xuôi. Khổng Minh được bên Ðông Ngô thết đãi tử tế .
    Mãn tiệc Khổng Minh xin về , tới bờ sông , chợt có người ở sau vỗ vai nói :
    - Ngươi chọc Công Cẩn tức mà chết , lại còn sang điếu tang, dể khinh Ðông Ngô không có người biết hay sao ?
    Khổng Minh thất kinh, nhìn lại là Phụng Sồ tiên sanh bèn dắt nhau xuống thuyền trò chuyện . Sau đó Khổng Minh dặn Bàng Thống khi nào không ở với Ðông Ngô nữa , xin sang Kinh Châu cùng phò Huyền Ðức .


    trích Gia cát lượng khóc viếng Chu Du ( Tam quốc chí).
     
Viết bình luận mới
Website liên kết