Avatar's TanNg

Ghi chép của TanNg

[AMA] - Hỏi tôi mọi thứ về phát triển kinh doanh

Lâu lâu lại giở trò AMA chơi cho đỡ nhàm với đống link tệ nạn và gái gú. Lần này chủ để là phát triển kinh doanh.

Tại VCCorp, từ khởi đầu 20 người sau 7 năm bọn mình đã phát triển thành công ty chuyên sâu trong ngành công nghệ với hơn 30 bộ phận độc lập có thương hiệu riêng trên thị trường, 1600 người, quỹ lương 16 tỷ/tháng, làm trong 3 lĩnh vực ads/media, game, ecommrce, gross billing gần 1000 tỷ, revenue trên 700 tỷ, tăng trưởng 50% hàng năm.

Bạn có thể hỏi bất cứ câu hỏi nào liên quan tới phát triển kinh doanh (từ bán hàng, làm thương hiệu, phát triển sản phẩm, dịch vụ khách hàng, giải quyết khủng hoảng, .....) mình sẽ trả lời dựa trên thực tế cá nhân. Câu trả lời có thể đúng, có thể sai, có thể dùng được có thể không dùng được nhưng hy vọng nó sẽ hữu ích cho một ai đó
3268 ngày trước · Bình luận · Loan tin
sosk , kekin12 người nữa
·  

131 bình luận

  • Anh có lời khuyên nào cho 1 mô hình bền vững (tự chủ tài chính, phi lợi nhuận) cho những site kiểu VLOS (trong điều kiện VN)?
     
    • @vietbio Mảng phi lợi nhuận này mình không rõ lắm, hơi khó bình luận. Bạn cho thông tin cụ thể hơn và đặt câu hỏi chi tiết hơn thì mới trả lời được.
       
  • Em thích anh phân tích các vấn đề Vào đây để bày tỏ sự "hâm mộ" thôi chứ chả biết hỏi anh cái gì ạ
     
  • Ngành nào, lĩnh vực nào đang hot ở Hà Nội?
     
  • Trồng cây gì? Nuôi con gì mang lại lợi nhuận cao và nhanh?
     
  • Theo anh, khi mà bắt đầu kinh doanh một sản phẩm, dịch vụ thì mình nên bắt đầu tiếp cận với nguồn khách hàng ở đâu và như thế nào?
     
    • @tocluc Câu hỏi của bạn hơi chung chung quá, nếu bạn cụ thể hóa hơn thì câu trả lời có thể sẽ tốt hơn. Ngoài ra câu hỏi quá rộng nên trả lời sẽ bị chung chung và rất dài

      Thông thường khi một công ty làm sản phẩm mới họ thường nghĩ ngay tới việc có nhiều khách hàng, nhưng mình thường chọn một cách tiếp cận khác đó là tiếp xúc với các khách hàng đầu tiên để hoàn thiện sản phẩm rồi mới bắt đầu mở rộng marketing.

      Giai đoạn hoàn thiện sản phẩm có những lợi ích sau

      - Nếu mở rộng marketing quá sớm khi sản phẩm còn chưa hoàn thiện thì mỗi khách hàng bạn kiếm được sẽ là một khách hàng ra đi và vĩnh viễn không trở lại, thậm chí còn là người đánh giá xấu về dịch vụ của bạn khi được hỏi.
      - Nếu sản phẩm/dịch vụ của bạn tốt, hấp dẫn thì mỗi khách hàng bạn kiếm được sẽ trở lại mua lần 2, lần 3 và nhiệt tình giới thiệu sản phẩm của bạn với những người khác. Đây được gọi là phương pháp marketing bằng chính khách hàng của mình.
      - Trong giai đoạn hoàn thiện sản phẩm, bên cạnh việc bán hàng thì bạn còn cần tiếp xúc sâu với các khách hàng để tìm hiểu thái độ và đánh giá của khách hàng về sản phẩm của bạn. Khách hàng thích cái gì, khách hàng chê cái gì, cái gì (của sản phẩm và dịch vụ) có thể sử dụng để thuyết phục khách hàng mua sản phẩm, cái gì khiến khách hàng sợ hãi, ngại ngần mùa sản phẩm, cái gì là rào cản tiếp cận tới sản phẩm của bạn. Nhận diện được các yếu tố này thì một là bạn sẽ điều chỉnh, sửa lại sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu khách hàng, mặt khác bạn sẽ nhận diện được các yếu tố marketing để sử dụng trong các chương trình marketing mở rộng sau này.
      - Cá nhân mình cho rằng bạn cần tập trung chủ yếu nỗ lực của bạn vào giai đoạn này thay vì marketing. Marketing có thể làm, có thể không, có thể làm quy mô lớn hay nhỏ tùy vào điều kiện và đòi hỏi thực tế, nhưng hoàn thiện sản phẩm là cái không thể không làm thật tốt nếu bạn muốn phát triển một cách nghiêm túc.
    • Giai đoạn marketing, có mấy nguyên tắc sau bạn cần lưu ý.

      - Khách hàng thường có tiến trình như sau: biết tới, quan tâm, tiếp xúc, mua hàng. Chương trình marketing của bạn cần nhắm tới cải thiện một vài các yếu tố đó trong tiến tình.
      - Khàng hàng phù hợp thường có tỷ lệ phản hồi cao hơn. Đầu tiên là bạn xác định thật cẩn thận khách hàng của bạn để đảm bảo là marketing đúng các khách hàng phù hợp nếu không nỗ lực marketing của bạn sẽ lãng phí vì không ai để ý, hoặc có để ý thì cũng không quan tâm mua sản phẩm của bạn.
      - Nội dung marketing thu hút có sức phủ rộng cao hơn vì khả năng gây chú ý. Những nội dung marketing kiểu như dùng clip sexy, sao nổi tiếng, v.v... thường khiến nhiều người để ý hơn và vì thế có được nhiều khách hàng hơn. Bạn không dứt khoát phải dùng các biện pháp tốn tiền hoặc cực đoan như đã nêu, bạn chỉ cần hiểu được nguyên tắc đó, marketing muốn thành công thì phải có sức thu hút.
      - Nội dung marketing đánh trúng tâm lý hoặc nhu cầu có sức thuyết phục cao hơn. Bạn có thể có tới 1 triệu người biết tới sản phẩm, nhưng chẳng ai quan tâm mua thì đó cũng là một chương trình marketing thất bại. Khiến người ta để ý tới sản phẩm dịch vụ của bạn làm một chuyện, thuyết phục người ta quan tâm và sử dụng nó lại là chuyện khác. Một campaign sử dụng các hình ảnh sexy có thể có độ phủ rất rộng, được nhiều người chú ý, nhưng nếu trong đó khách hàng ko hiểu sản phẩm của bạn là gì, tại sao họ cần mua nó, hoặc bạn không tạo được thiện cảm với sản phẩm, dịch vụ của bạn thì sẽ không thuyết phục được khách hàng mua hàng. Khi chưa thấy được khả năng đánh trúng tâm lý hoặc nhu cầu của khách hàng thì chưa nên làm marketing.
      - Thu thập phản hồi. Điều khách hàng tiếp thu được gì mới là quan trọng, điều mình đang nói trong chương trình marketing chẳng có ý nghĩa gì. Rất nhiều người làm marketing say mê với những gì họ nghĩ ra trong chương trình của họ, nhưng khi check lại xem khách hàng tiếp thu được gì thì kết quả rất thảm hại.

      Với dịch vụ mình cho là phương pháp telemarketing là một trong các phương pháp phù hợp: nhận diện khách hàng có nhu cầu, thu gom và sàng lọc contacts phù hợp, liên hệ trực tiếp (not spam) để tìm cơ hội giới thiệu sản phẩm, giới thiệu sản phẩm/dịch vụ và bán. Trong giai đoạn đầu thì các phương pháp marketing trực tiếp như telemarketing sẽ giúp bạn thu thập phản hồi về sản phẩm cũng như các chương trình marketing để cải thiện chúng.
    • @tanng
      tiếp xúc với các khách hàng đầu tiên để hoàn thiện sản phẩm rồi mới bắt đầu mở rộng marketing


      đồng ý với anh vụ này, chia sẻ thêm vài thứ
      - một vài sản phẩm đòi hỏi thời gian hoàn thiện quá lâu (tính bằng chục hoặc trăm năm) thì khá là sốt ruột
      - một vài sản phẩm cần có nhiều khách hàng (người dùng) mới hoàn thiện được, ví dụ map hay search
       
    • @ohisee Còn nhiều khả năng khác lắm, nhưng nếu cứ kể hết nó ra như vậy thì chỉ khiến mình sợ không dám làm gì hoặc bị nhiễu loạn với thông tin. Cách thức hiệu quả hơn là coi những cái mình nêu ra là một thứ để tham khảo đơn giản là nếu thấy nó phù hợp thì theo, không phù hợp thì quên.
       
  • Công ty nhỏ muốn thuê 1 công ty truyền thông xây dựng và triển khai kế hoạch quảng bá thương chuyên nghiệp với chi phí thấp nhất có thể. Vccorp có làm vc này ko hoặc anh có thể giới thiệu cho em ko? Em có thể mời anh cà phê để hỏi kinh nghiệm kinh doanh được ko ạ?
     
    • @tancodien

      Hiện nay AdMicro của VCCorp đang làm việc này, tư vấn và triển khai kế hoạch truyền thông, quảng bá cho khách hàng. Nhưng AdMicro chỉ đang làm tốt với các khách hàng high-end kiểu như các công ty tầm quốc gia, còn việc tư vấn cho các doanh nghiệp nhỏ hiện thực hiện chủ yếu do tài lẻ của các sale manager, chưa được chuyên nghiệp và thật sự tốt cho khách hàng, nặng về bán quảng cáo hơn. Nói cách khác là hiện tai AdMicro phục vụ các khách hàng như công ty bạn chưa được tốt (cũng chưa có công ty nào làm tốt hơn). Tuy nhiên vấn đề này đã được nhận ra sau đợt review sản phẩm và dịch vụ của năm 2014 và hiện tại bên mình đang tiến hành một kế hoạch restructure lại admicro, trong đó lập ra một bộ phận mới gom toàn bộ các nhân viên liên quan khách hàng trung, vừa và nhỏ về một khối, tăng cường thêm các nhân sự sản phẩm, tư vấn, dịch vụ cho bộ phận này với mục đích phục vụ được các khách hàng nhỏ theo đúng nhu cầu như bạn nêu, dựng luôn một khu mới tập trung hơn 100 nhân sự về ngồi cùng nhau. Mọi thứ cũng hòm hòm, tới cuối tháng 4 này thì công việc này sẽ hoàn thành và bắt đầu phục vụ theo một cách mới, có tổ chức và bài bản hơn. Tuy nhiên hiện tại có một số sale manager giỏi vẫn đang chủ động tư vấn triển khai cho khách, nếu bạn quan tâm mình sẽ giới thiệu sale để hỗ trợ. Hiện nay mình cũng đang theo sát quá trình này để đảm bảo tổ chức mới này thật sự đáp ứng được kỳ vọng về một dịch vụ tư vấn cho khách hàng một kế hoạch quảng bá hiệu quả nhất.
       
    • @tanng Em rất quan tâm. Vậy anh cho em liên hệ của bạn ấy nhé.
       
  • Hệ thống Admicro có âm thầm thu thập dữ liệu người dùng để phục vụ quảng cáo không anh?
     
  • Em cũng rất hâm mộ anh TanNg nói riêng cung như hâm mô câu chuyện phát triển của VC Corp. Anh TanNg cho em được hỏi anh vài câu hỏi như sau:
    Trong 3 lĩnh vực của VC Corp mà anh nêu ở trên, thì lĩnh vực nào có sự tăng trưởng (về nhân sự, và doanh thu) lớn nhất. Và cá nhân anh đánh giá cao lĩnh vực nào nhất.
    Em cảm ơn anh.
     
    • @langthangnet

      Hiện tại mảng tăng trưởng nhanh nhất là mảng game, đã đạt tới hơn 1/3 toàn bộ quy mô doanh thu công ty. Mảng lớn nhất và tăng trưởng vẫn rất nhanh là Ads/Media, mảng này lợi thế là tương lai bền vững, quy mô lớn. Mảng còn lại là thương mại điện tử nặng emarket place hơn là bán lẻ, chắc còn phải nhiều thời gian nữa mới vững mạnh được. Về tầm quan trọng mình cho là cái nào cũng quan trọng, còn bên mình không có tư duy là đánh giá cái nào cao hơn mà thường suy nghĩ là chọn và theo đuổi cái gì mình làm được tốt hơn. Mình cứ làm tốt đã, to tới đâu là việc của trời, cho thì được mà không cho thì thôi
       
    • @tanng Mảng emarket place của VCC làm là tránh đối đầu trực tiếp với các big player khác như : lazada, vinecom, tiki? Trong mảng này em thấy VCC bắt đầu tách emarket place theo lĩnh vực (rento : bds, nemo: thời trang) không như vatgia hay sendo? Đây có phải là cách chia để trị, thu hút những merchant đang hoạt động trên các sàn khác vào chơi các sàn chuyên biệt?
       
    • @tuanna0703 Retails tốn vốn quá không theo được, với lại mình cho là retail chưa tới thời, lúc nào tới thì làm. Còn site là làm theo nhu cầu của user, thấy nhu cầu thì tìm cách phục vụ, không làm trong site cũ được thì làm site mới. Chứ không phải tư duy chiến lược kiểu bạn đang nghĩ.
       
  • Anh ơi, ví dụ em đang thử làm một trang tin nhỏ, lượng referal rất cao nhưng direct lại thấp (đo bằng GA) theo anh em cần chú ý những gì để tăng lượng độc giả trung thành hơn?
     
    • @hwii_dg

      Lúc chiều định trả lời nhưng nghĩ kỹ lại thì anh không tự tin chém gió trong vấn đề này lắm nên bạn có thể đọc này và các vấn đề xung quanh Inbound Marketing để tìm cách tiếp cận phù hợp nhé.

      https://ltus.me/FO7
    • @tanng Vấn đề khá nan giải với các trang news bây giờ Các trang của VCC tỷ lệ direct đạt trung bình khoảng bao nhiêu %, trang nào direct cao, trang nào thấp ạ?

      @hwii_dg referral rất cao là ngon rồi (nếu ko phải trả nhiều tiền cho referral), tìm mọi cách để giữ khách referral ở lại lâu cũng là cách để dần biến họ thành độc giả trung thành
    • @vietnamnet_ict

      Thực ra cách xem GA mà nhìn vào direct để nghĩ rằng đó là khách hàng của mình thì là do cách đo của GA nó mislead mình thôi, tỷ lệ thực tế cao hơn thế nhiều. Có cách là nhìn vào tỷ lệ new user ấy, nó là chỉ số tốt hơn để phản ánh độ stickiness của site. Các site lớn của mình tỷ lệ này dưới 7%, cả hệ thống thì thấp nữa vì reach rộng quá rồi.

      Cách tính chỉ số của Google Analytics có lợi cho Google, tạo ấn tượng về sức mạnh của traffic đến từ Google hơn nhiều lần so với thực tế. Gần đây cách này lại tạo lợi thế cho FaceBook, đúng là gậy ông đập lưng ông, tuy nhiên Google cũng có thể đổi cách khác tạo để phá đi lợi thế của FaceBook. Cụ thể về vấn đề này hồi lâu lâu mình có phân tích rồi, nó cũng khá khó hiểu, và trong ngữ cảnh post này không phù hợp lắm nên ngại viết sâu.
  • Chào anh. Em có 1 công ty về thiết kế kiến trúc và nội thất. anh cho em xin 1 vài lời khuyên về lĩnh vực này ạ. Đứng trên góc nhìn khách hàng xây dựng nhà.
    Cảm ơn anh
     
    • @tanle123 Quan điểm của mình như sau

      - Một công ty thiết kế kiến trúc và nội thất thì chuyên môn luôn là yếu tố hàng đầu. Nếu chuyên môn không vững thì không còn gì để nói hết
      - Với một công ty dịch vụ như của bạn thì khách hàng cũ chính là "nhân viên marketing" quan trọng nhất, họ sẽ tích cực giới thiệu bạn với người khác nếu họ hài lòng với sản phẩm của bạn hoặc họ sẽ tích cực chê bạn khi không hài lòng với sản phẩm của bạn.
      - Một công ty dịch vụ có sản phẩm tốt tới đâu mà dịch vụ tồi chắc chắn sẽ thất bại. Vì vậy ngoài việc có được thiết kế tốt, đẹp rẻ cho khách hàng thì điều bạn cần quan tâm là khách hàng đang nghĩ gì về dịch vụ của bạn, tìm cách cải thiện nó càng cao càng tốt. Mình không rõ bạn đang quan tâm tới chất lượng dịch vụ tới đâu, nếu bạn chưa làm thì nên làm ngay việc gọi điện và hỏi các khách hàng cũ xem họ đánh giá về dịch vụ của bạn như thế nào, bạn sẽ thấy rất nhiều điều cần thay đổi
      - Làm dịch vụ thì có rất nhiều điều để cải thiện nhưng nên nhớ 2 keywords: "thái độ" và "luôn sẵn sàng". "Thái độ" có lẽ ai cũng hiểu, còn "luôn sẵn sàng" khó hiểu hơn, nhưng đại ý nó là khi khách hàng cần là bạn có ngay. Khách cần báo giá chỉ lúc sau là có, khách cần thiết kế gấp thì đừng để khách chờ (hiện có công ty đang để mình phải chờ 3 tháng), khách gặp sự cố thì nhân viên có thể giải quyết được ngay, hoặc có thể gọi ngay cho lãnh đạo để có trả lời cho khách, vân vân và vân vân. Ví dụ như bên mình làm quảng cáo, kể cả 12h đêm khách hàng gọi thì sáng hôm sau vẫn có thể chạy quảng cáo được.

      Còn về marketing bạn có thể có nhiều phương pháp ví dụ như kết hợp với các đối tác có cùng đối tượng khách hàng (bên mình đang nghiên cứu một dịch vụ liên quan tới bạn) để cùng hỗ trợ nhau, hoặc bạn có thể tiến hành quảng bá, giới thiệu ở những nơi khách hàng của bạn tập trung. Áp dụng các phương pháp mình nếu ở trên với bạn @tocluc có lẽ cũng có kết quả. Nếu công ty của bạn lớn, sản phẩm của bạn bắt đầu vươn rộng thì nên xem xét quảng cáo nhận diện hình ảnh, thương hiệu (như bạn @hungnguyen1402 có thể đang bắt đầu ở giai đoạn này).
    • @tanng Em cảm ơn anh đã đóng góp ý kiến cho em. Khi nào anh cần tư vấn hoặc bạn bè anh có nhu cầu thiết kế kiến trúc, nội thất đừng quên bên em nhé . Chúc anh và VCCorp luôn phát triển dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là truyền thông.
      web bên em là https://ltus.me/Iqp
      Lúc nào online anh vào ghé qua nhé <3
       
  • Facebook cho mở shop, có chức năng bán hàng.....
    Anh dự đoán bước đi của Facebook là gì?
    Cơ hội và thách thức cho các sàn TMDT, Diễn đàn bán hàng.... là gì?
     
    • @tantam

      Mình không thấy cái mở shop đó gây ảnh hưởng lớn, nó thực ra mới như cái post dạng đặc biệt thôi. Bước đi đáng lưu ý của FB hiện nay là FBM for bussiness, nếu họ làm tốt cái đó sẽ hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp.
       
  • Tại VCCorp, từ khởi đầu 20 người sau 7 năm


    tức là VCC khởi nghiệp từ 2008 à anh?
     
    • @ohisee Đại loại thế
       
    • @tanng em cũng "khởi nghiệp" từ 2010, lý do đơn giản là để kiếm sống chứ ko có động lực và mục tiêu lớn nên vẫn lẹt đẹt

      Anh có thể chia sẻ (từ thực tế và/hoặc cách nghĩ) của anh về các vấn đề nhân lực và gọi vốn được không? ví dụ như:
      - một công ty (ví dụ VCC) trong vài tháng đầu thì có khoảng bao nhiêu người, gồm các thành phần nào? làm sao tìm kiếm co-founder ....
      - nên kêu gọi vốn đầu tư vào giai đoạn nào, từ đối tượng nào ... (ví dụ VCC?) .... hay nên tự lực?

      Đa phần cái em thắc mắc thì em cũng có đọc sách, báo hoặc nghe người khác nói, và cũng có chút kinh nghiệm, nhưng em muốn biết thêm những bài học cụ thể từ VCC và anh.
       
    • @ohisee Ở VCCorp thì người sáng lập và gọi vốn là Thắng chứ không phải mình. Mình không phải là người gọi vốn và sáng lập giỏi nên không biết cho lời khuyên gì, nhưng mình sẽ kể lại câu chuyện ở VCCorp, bạn rút được kinh nghiệm gì thì rút

      Thắng sáng lập VCCorp, sau khi gọi được một khoản vốn kha khá rồi thì bắt đầu suy nghĩ về các thất bại trước đó của Thắng và nhận ra rằng trước đó Thắng quá tự tin vào bản thân, cho rằng một mình Thắng có thể làm tất, và Thắng cần kiếm thêm nhiều người để làm cùng. Sau đó Thắng lên Internet thì đọc được một số bài viết của mình về Internet (lúc đó mình thích Internet nên có viết một số bài về dịch vụ Internet) nên rủ mình về làm, mình vốn thích làm internet, làm mấy công ty to thấy bức bối nên chuyển sang bên này làm cùng.

      Về gọi vốn thì chủ yếu Thắng làm, ngay cả bây giờ cũng vậy mình ít làm việc với nhà đầu tư mà tập trung vào các vấn đề chuyên môn và công việc cụ thể hơn. Nhưng thực tế về sau này của gọi vốn là người ta cứ tìm đến mình chứ không phải ngược lại nên mình khó có lời khuyên cho các bạn đi tìm nhà đầu tư là tìm ở đâu. Đoạn đầu tiên Thắng gọi vốn bằng cách nào thì mình không rõ lắm vì đợt đó chưa tham gia.

      Lấy tiền của người khác luôn có cái giá của nó, mình cho là nên tự lực tối đa nếu có thể tự lực được, vốn dùng để mở rộng cái đã được chứng minh là có thể thành công thì hiệu quả hơn là vốn để làm mới.
       
    • @ohisee

      Sau khi mình về VCCorp làm một thời gian thì Thắng nhận thấy khả năng chuyên môn, điều hành quản lý của mình rất tốt nên chủ động "chia" mọi thứ sang cho mình, như kiểu vai trò, quyền lực, quyền lợi, v.v... Thắng đều cầm phần của Thắng chuyển bớt sang cho mình. Sau tiếp nữa nhận thấy là cách làm đó khiến mọi thứ tốt hơn hẳn nên mình và Thắng lại "chia"bớt sang cho các nhân viên quan trọng, bây giờ họ là key leaders của công ty. Và có vẻ phương pháp này tốt cho phát triển chung của công ty. Cũng từ đây, bọn mình cũng rút được một kinh nghiệm là khi mình kỳ vọng và tin tưởng là "người ta sẽ tốt, người ta sẽ giỏi" thì thực tế là người ta sẽ thay đổi và trở lên tốt và giỏi hơn so với hiện tại rất nhiều, không ít người nhờ vào điều này mà phát triển một cách thần kỳ. Từ đó lại sinh ra cái văn hóa của VCCorp là "văn hóa tạm ứng niềm tin". Hơi ngược với văn hóa một số chỗ khác là đòi hỏi chứng minh trước, giao phó sau thì nếu thấy anh có tiềm năng tôi sẽ đặt niềm tin và giao phó cho anh mọi thứ trước để anh chủ động phát triển và chăm lo cho công việc, nhưng sẽ chỉ là "tạm ứng" thôi vì nếu anh không đáp ứng được thì sẽ phải thay đổi. Có lẽ yếu tố quan trọng nhất giúp VCCorp phát triển chính là việc này, tạo ra điều kiện và động lực để rất nhiều người tham gia đóng góp, phát huy, phát triển thay vì dựa trên một vài cái đầu giỏi và số đông thừa hành.

      Như vậy giai đoạn đầu nếu bạn ít người quá thì sẽ bị hạn chế ý tưởng, kỹ năng để làm điều mình muốn. Còn nếu đông quá thì lãng phí tiền bạc và loạn, loãng, gây rối cho nhau. Mình nghĩ mỗi team chỉ nên không quá 4-6 người, team chuyên gia chỉ nên 1-2, nếu cần vài team để giải quyết các vấn đề khác nhau thì nhân số team lên. Mọi người đều nên làm việc chi tiết, cụ thể, thực tế thay vì tồn tại những người quản lý chung chung. Tốc độ là yếu tố số 1 cần quan tâm.
       
    • @tanng cảm ơn anh, em rút ra vài bài học mà em nghĩ là khá giá trị và sẽ thử áp dụng
       
    • @tanng "Tạm ứng niềm tin" - rất thú vị ạ ^^
       
  • Theo em biết, VCC là thành công lớn của anh sau một chuỗi khó khăn. em muốn hỏi

    - Kiến thức anh học được ở nước ngoài có giúp anh phần nào trong xây dựng VCC?
    - Để gầy dựng, điều hành một cty/tổ chức lớn, các khóa học như MBA có phải là phù hợp?

    Cảm ơn anh nhiều
    • @chuvantai

      - Thực ra mình không trải qua chuỗi khó khăn vì trước VCC mình đi làm công ăn lương tại các công ty lớn, không giàu nhưng cơ bản là đủ sống. Người thật sự trải qua một chuỗi khó khăn, phá sản là Thắng chứ không phải mình, và người có được bài học quý giá từ các thất bại đó là Thắng.
      - Kiến thức mình học ở Nga là Toán và Lý, nó giúp phần xây dựng đầu óc của mình và hình thành nên con người, chứ có lẽ không trực tiếp tác động tới công việc của mình ở VCC. Kiến thức mình học của chương trình MPA của Bỉ (tương tự như MBA nhưng là quản lý công chứ không phải quản lý doanh nghiêp) cũng không liên quan trực tiếp nhưng nó "kích thích sự quan tâm" trong mình về các vấn đề kinh tế, tài chính, doanh nghiệp, đặt các bước đi đầu tiên, xác lập các khái niệm đầu tiên trong mình về kinh doanh. Sau đó có một thời gian rất dài mình dịch sách để kiếm tiền ăn nên cũng là một cơ hội đọc sách, thời đó dịch rẻ mạt lắm và lại rất nhàm chán, nếu không vì muốn đọc các quyển sách đó có lẽ mình đã không làm công việc dịch. Ngoài ra có rất nhiều kiến thức khác mình thâu lượm trong thực tế làm việc, trong giao tiếp với người khác, trong đọc báo. Nếu bạn luyện được thói quen là luôn tìm được cái hay để học trong bất kỳ sự việc gì thì có lẽ kiến thức của bạn sẽ phát triển rất nhanh.
      - Mình nghĩ là mọi khóa học đều có tác dụng tốt nếu bạn làm công ty, nếu có điều kiện thì nên tham gia. Tuy nhiên điều cần cân nhắc khi tham gia là liệu mình có học được gì không, liệu mình có bỏ sức để học không. Học thường rất nhàm chán nên hoặc bạn phải có được kỷ luật sắt, hoặc bạn phải thật sự hứng thú với các chương trình này. Thường các khóa học ngắn 4-8 buổi theo các chủ đề mình quan tâm sẽ tạo hứng thú hơn.
      - Tuy nhiên học gì thì học nên nhớ là kiến thức chỉ là để tham khảo thôi, chỉ có câu trả lời của thực tiễn mới quyết định sự đúng sai.
    • @tanng Cảm ơn chia sẻ của anh.
      Em cũng công nhận về vụ luôn tim cái hay để học trong bất cứ việc gì. Mấy năm tham gia linkhay, tiếp xúc nhiều người, nhiều nguồn tin nên đầu óc mở mang kha khá, loại bỏ rất nhiều định kiến.

      Em thấy chữ ký của anh trong HĐ với cty em rồi. Hy vọng ngày nào đó anh với em cùng ký chung một cái gì đó hay ho
       
    • @chuvantai Đăng ký kết hôn?!
       
    •  
  • Anh đánh giá thế nào về các sản phẩm online dạng niche? Ví dụ em đang làm cái site TechInsider hay site về đánh giá xe (oto, xe máy, xe đạp) liệu có cơ hội cạnh tranh không? Không liên quan lắm nhưng em băn khoăn là VCC tại sao lại nhảy vào mảng Cloud ? VCC sẽ là 1 Amazon của VN?
     
    • @tuanna0703

      Mấy cái niche bạn làm hơi sớm, nếu để vươn xa thì có lẽ chưa tới lúc, còn nếu để sống và tồn tại thì phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực cá nhân. Mình cũng không rõ bạn kỳ vọng gì ở các site đó nên khó bình luận, nhưng mình cho rằng nếu bạn định theo đuổi nó thì nên xác định là sẽ rất khó khăn, rất khó khăn đấy. Vì độc giả đã không rộng mà đối tượng khách hàng nuôi sống nó cũng không hề rộng, lại có quá nhiều người đang tham gia trong lĩnh vực này. Mà quả thật mình không hiểu tại sao mảng này có gì hấp dẫn mà nhiều người lao vào thế.

      Để tham gia một niche nên đặt 3 câu hỏi

      1 - User nhiều hay ít, giá trị user cao hay thấp? Càng nhiều càng tốt
      2 - Khách hàng nuôi sống nichec này có nhiều không? Càng ít càng rủi ro
      3 - Có nhiều người cạnh tranh trực tiếp (kiểu G7 với Vinacafe) hoặc cạnh tranh gián tiếp (kiểu trà với cafe) hay không? Càng nhiều càng dở.

      Nhưng nếu đã làm vì đam mê, thích thú thì nên vứt hết các câu hỏi, làm tới khi nào không theo nổi nữa thì thôi
    • @tuanna0703 Còn về câu hỏi tại sao VCC nhẩy vào mảng cloud

      Ở VCC bọn mình mở các mảng không theo "chiến lược" công ty đề ra, mà theo những gì anh em thích làm, muốn làm, có thể làm. Anh em có có thể làm thử, được thì mở rộng, không được thì thu hẹp, đóng cửa. Công ty nặng về đánh giá khả thi và hỗ trợ xem liệu có làm được không, liệu có nên theo đuổi không thay vì quyết định đầu tư do nhìn vào viễn cảnh tương lai to lớn tới đâu.

      Trường hợp của phòng Cloud là anh em thấy có thể làm được một số dịch vụ liên quan cloud, mình hỏi về công nghệ chứng minh được không? về thị trường liệu có bị lỗ không? có thể cạnh tranh được không? Anh em chứng minh là được, vậy thì làm, khi làm thì cần cho nó một cái tên để gọi nội bộ và khách hàng gọi thì đặt cho nó là VCCloud. Còn đi xa tới đâu, thành Amz hay thành cái gì thì là ở tài của anh em.
       
    • @tanng Có lẽ chính vì suy nghĩ tập trung vào mảng Niche là 1 sai lầm vì quan điểm cá nhân em nghĩ rằng khi làm 1 cái ngách sẽ dễ cover và tập trung hơn.Có lẽ em phải suy nghĩ lại về vấn đề này. Thanks anh.
       
    • @tuanna0703 Hôm trước bạn @vietnamnet_ict có comment trong status của bạn về vấn đề niche bạn đang theo đuổi, mình nghĩ comment đó khá xác đáng đấy.
       
    • @tanng Mô hình mà em thấy hay nhất của VCC là phân mảnh thành các dự án. Nó giống như cơ thể khỏe khi mỗi tế bào khỏe và hướng đi niche của em cũng học từ mô hình mà anh đang xây dựng tại VCC. Em nghĩ trong câu trả lời của anh về mảng Cloud ngoài việc là "anh em thấy làm được và cạnh tranh được" thì nó cũng cho thấy là mảng đó của VCC quá mạnh để phục cho nội bộ và có thể mang ra ngoài để bán.
      Ngoài ra cái hay em thấy được từ VCC đó là mỗi dữ án đều có sự tương hỗ cho nhau cực mạnh. Có lẽ con số hàng nghìn tỷ anh nói ở trên là con số làm đối tác. Còn các con số mà các dự án hỗ trợ nội bộ em nghĩ chắc cũng phải gấp 100 lần con số đó.
      Em thấy nền tảng Game (Soha Game) VCC làm thực sự quá hay và giúp cho các đơn vị làm chuyên biệt tích hợp cùng khai thác. Và em cũng hi vọng biết đâu một ngày nào đó các dự án niche của em có thể làm điều tương tự khi VCC cung cấp một nền tảng dịch vụ mới trong hệ sinh thái VCC.
      Về comment của @vietnamnet_ict nói em thấy rất chính xác và đó cũng là điều đau đầu của startup như bọn em. Nhưng đôi khi "quẳng mẹ" những cái đau đầu đi và làm theo đam mê anh ạ
       
    • @tuanna0703 Thì mình cũng đã nói ở trên rồi, nếu làm vì đam mê thì nên quẳng hết đi, mấy cái đó có nghĩ cũng chỉ đau đầu, đâu mang lại lợi ích gì đâu, đã quyết làm thì đừng nghĩ tới nó.
       
  • Đối với thị trường nghách, theo anh muốn thành công thì phải thực hiện theo các step ntn?
  • Anh TanNg cho Em hỏi, Em hiện tại đang làm game cho điện thoại di động. Game đã có một chút tiếng vang đến cộng động và được một số báo viết bài. Em muốn link lên Top Linkhay thì phải làm thế nào ạ ?

    https://ltus.me/K1H

    https://ltus.me/NCZ
     
  • Khi bắt đâu một mô hình kinh doanh, các anh giải quyết câu chuyện con gà, quả trứng như thế nào?
    Kiếm người dùng trước, hay làm sản phẩm trước.
    Đầu tư quảng cáo trước, hay là chờ xem sản phẩm có hiệu quả hay ko.
    Phương án làm từ từ thì cũng khó, vì cũng sẽ bị đi theo câu chuyện trên.
     
    • @kenzo Mình là dân sản phẩm, luôn đặt sản phẩm lên đầu. Hơi cực đoan nhưng quan niệm của mình là sản phẩm tốt thì khách hàng tự tới.
       
  • Cuốn sách tâm lý mà anh thấy tâm đắc nhất là gì ạ? Em muốn đọc theo
     
  • Em có ba câu hỏi muốn hỏi anh Tân, hơi tham vì đang trong giai đoạn cần , mặc dù em có câu trả lời của mình những vẫn rất muốn tham khảo ý kiến những người thành công đi trước:
    - Quan điểm của anh Tân thế nào về phát triển mạng lưới (không gian phục vụ) với truyền thông - quảng cáo, mảng nào nên chạy trước, chạy trước ở khoảng cách thế nào?
    - Điều cốt lõi trong việc lựa chọn phương pháp quảng cáo của anh là gì hay cách lựa chọn phương thức quảng cáo của anh là gì? Thời trước 2008 của anh Tân thì việc lựa chọn phương thức quảng cáo có lẽ dễ hơn vì ít đa dạng, nhưng thời kỳ này thì quá nhiều phương thức quảng cáo, mà có lẽ khác nhau chỉ qua một sợi chỉ
    - Quảng cáo online thường quảng cáo dần theo từng lượng người xem quảng cáo, vấn đề là khi quảng cáo vô tình tới lượng người dùng có nhu cầu trước thì thấy quảng cáo rất có hiệu quả, sau đó thì ngược lại. Với các doanh nghiệp nhỏ, chi phí ít để có thể chạy quảng cáo tới 100%, thì theo anh cách nào để tránh đánh giá sai hiệu quả bền vững của quảng cáo đó?
     
    • @hungnguyen1402

      Trước tiên là vấn đề mạng lưới dịch vụ và truyền thông quảng cáo

      - Quảng cáo là hệ số nhân, bản thân dịch vụ/sản phẩm là số gốc. Vì thế nếu dịch vụ bạn đang âm điểm mà quảng cáo thì giá trị mang lại là thiệt hại được nhân rộng, dịch vụ càng cao điểm thì quảng cáo càng nhân rộng số điểm đó lên.

      - Như vậy chắc chắn là bạn cần phải có sản phẩm, dịch vụ đủ tốt thì mới nên quảng cáo. Khi nào bạn cảm thấy mạng lưới phục vụ đó đủ tốt, đủ tử tế thì bạn nên bắt đầu quảng cáo ngay để mở rộng khách hàng.

      - Phát triển mạng lưới dịch vụ không có nghĩa là bạn không đang làm marketing. Bạn nên "build-in" marketing vào mạng lưới dịch vụ, nhất là vào những thứ đơn giản nhất. Ví dụ như biển hiệu, bao bì in nhãn hiệu, logo in, v.v.... cứ làm tí một, cái gì cảm thấy thích, có kết quả thì làm trước.

      - Marketing trên mạng lưới dịch vụ cơ bản có 2 loại: (1) hình ảnh logo, tên, website, ... - là những thứ bạn muốn khách hàng nhớ và phân biệt bạn với công ty khác. Chi phí vào đây nên coi là chi phí đầu tư cho marketing lâu dài, chứ ko nên coi là chi phí bán hàng trực tiếp, ví dụ túi xách đồ sẽ không chỉ là chi phí bán hàng (2) ấn tượng đọng lại. Là thông tin mà bạn muốn khách hàng đọng lại và lan truyền về sản phẩm của bạn. Sản phẩm này tốt ở đâu, hay cái gì, ai nên dùng, v.v.... hay còn gọi là truyền thông. Nếu sản phẩm của bạn đủ tốt, khách hàng sẽ tự nghĩ ra những thứ này và lan truyền với nhau, nhưng nếu bạn chủ động tìm hiểu tham gia, lựa chọn từ ngữ, nội dung để thúc đẩy quá trình này thì tốt hơn nhiều. Bạn nên bỏ thời gian ra để hỏi, nói chuyện với khách hàng để nhận ra các yếu tố trong mục 2, và từ đó có kế hoạch đẩy sâu nó vào đầu khách hàng.
    • @hungnguyen1402 Tiếp theo về mạng lưới dịch vụ và truyền thông quảng cáo

      - Khi cảm thấy mọi thứ đủ tốt thì bắt đầu nên quan tâm tới việc quảng cáo, quảng bá để mở rộng tệp khách hàng, cũng như để "chiếm chỗ" trước trong đầu khách hàng.

      - Điều nguy hiểm nhất là bạn có sản phẩm tốt, dịch vụ tốt, nhưng một ai đó đi sau lại tiến hành quảng bá mạnh mẽ và "chiếm chỗ" trước bạn trong đầu khách hàng số đông. Vì họ quảng cáo vào số đông nên ai chưa là khách hàng của bạn sẽ nghĩ họ là người đầu tiên. Ví dụ rất nhiều người dùng Android vì không có điều kiện tiếp xúc với iPhone nên sẽ nghĩ Android là thánh, số này lại đông hơn nên dần dần Android sẽ trở thành thánh nếu Apple không quảng bá trước và nắm đủ thị phần. Bạn nên theo dõi thị trường xem tới lúc có áp lực chưa, nếu chưa thì không vội, nếu áp lực tới thì cần hành động ngay, chần chừ là mất hết công đi trước.

      - Như vậy bạn nên làm quảng bá/quảng cáo sớm nhất khi có thể. Bạn có thể bắt đầu nhỏ, sớm, tự mình làm với chi phí thấp, nhân viên kiêm nhiệm. Khi có đủ điều kiện về tài chính thì nên khoanh budget quảng cáo, sử dụng tư vấn ngoài, hoặc tuyển dụng người có kinh nghiệm để làm. Mình nghĩ target budget marketing ở mức 10-20% doanh thu (tùy dòng sản phẩm) hoặc 30% lợi nhuận biên là phù hợp, con số là bao nhiêu thì vừa làm vừa chỉnh, sản phẩm càng độc đáo hấp dẫn, càng ít đối thủ thì càng không cần quảng cáo nhiều.

      - Nếu bạn đi sau thì phải tìm ra điểm khác biệt, điểm thu hút và chấp nhận tiêu tốn nhiều hơn cho marketing, thu hút khách hàng.
       
    • @tanng Cảm ơn anh, rất hữu ích anh ạ.
       
    • @hungnguyen1402 Về vấn đề phương pháp quảng cáo

      Lựa chọn loại hình quảng cáo.

      Đúng là cách đây 2-3 năm thì lựa chọn loại hình quảng cáo khá đơn giản, chủ yếu mua banner và bài PR trên các trang báo lớn, hoặc mua quảng cáo ở các vị trí liên quan. Còn bây giờ mọi thứ trở nên quá phức tạp, riêng format quảng cáo mới năm 2014 bên mình cho ra hơn 15 loại, chưa kể các loại format tích lũy từ trước, các thức lựa chọn độc giả, phương pháp tính tiền cũng đẻ ra rất nhiều loại mới. Trong 1-2 năm nay khách hàng hoàn toàn bị lạc lối trong đống lựa chọn đó, trong khi các giải pháp đưa ra cũng không đủ rõ ràng để khách hàng có thể lựa chọn dễ dàng.

      Tuy nhiên, để hình dung đơn giản thì khi bạn mua quảng cáo thì chỉ cần chọn loại hình nào phù hợp với mục tiêu kinh doanh trong giai đoạn thực hiện của bạn. Có mấy loại mục tiêu sau, cũng không quá khó hiểu, nếu hiểu được thì bạn có được cách mua quảng cáo phù hợp, dù là trên Digital hay trên TV, báo giấy.

      1 - Quảng cáo để người ta biết tới mình. Ví dụ tôi là Coca Cola, tôi là nước uống đóng chai, đóng hộp màu đỏ. Tôi là Hưng, tôi bán sản phẩm rau quả thân thiện môi trường. Tên tôi là AdMicro, tôi bán quảng cáo digital. Loại quảng cáo này chủ yếu khiến người ta nhớ tên mình, biết mình làm gì, mầu sắc đặc trưng ra sao, logo hình thù kiểu gì. Gọi là quảng cáo nhận diện thương hiệu, brand awareness. Bạn mua và thiết kế banner, TVC dạng thương hiệu, kích thước to, tập trung các mục đích ghi nhớ tên tuổi, hình ảnh hơn là thuyết phục và bán hàng.

      2 - Quảng cáo thuyết phục bằng lý lẽ để người ta biết tới công dụng sản phẩm của mình, hiểu lý do cần mua sản phẩm của mình, khiến người ta có cảm tình với mình, khiến người ta nẩy sinh nhu cầu mua sản phẩm của mình. Ví dụ: tôi là Glucosamine, uống tôi thì đỡ đau khớp. Diana có cánh, đeo vào thì ngủ thoải mái. VietJet có tiếp viên sexy, lên máy bay sờ mó thoải mái. Khách hàng nghe được các câu truyền thông đó tự dưng nhớ tới sản phẩm của bạn, khi có nhu cầu tương tự là nẩy ra ý muốn mua. Nói cách khách bạn mua quảng cáo để nhét vào đầu khách hàng các ý tưởng nào đó mà bạn muốn, cũng có thể dùng từ truyền thông để mô tả loại hình này. Sản phẩm phù hợp và dễ sử dụng là PR, content marketing, hoặc các sản phẩm dạng banner nhưng thiết kế nặng về truyền tải nội dung.

      3 - Quảng cáo tăng doanh số. Loại quảng cáo này mục tiêu trực diện là tăng doanh số. Chạy quảng cáo cái lập tức doanh số tăng ngay, hoặc nhà phát hành game, ứng dụng chạy quảng cáo để tăng số cài đặt. Thuật ngữ trong quảng cáo gọi là direct response, mình thích dùng từ "tăng doanh số" hơn vì nó rất trực diện, mặc dù về ý nghĩa thì không chuẩn lắm. Loại sản phẩm phù hợp nhất là mua trên AdMarket, AdX của AdMicro, hoặc Google AdWords, FaceBook ads.

      Bạn cũng có thể tham khảo góc nhìn khác của Set Godin http://cafebiz.vn/quang-cao-thuong-hieu/ba-hinh-thuc-quang-cao-dien-hinh-20141209153321307.chn
    • @tanng quá tuyệt anh ạ. Em sẽ lưu lại để vừa làm vừa nghiền ngẫm.
       
    • @TanNg vậy quảng cáo kiểu như: Nam thận bảo, bổ thận nam, một người khỏe hai người vui thì là thuộc dạng gì ạ? :3
       
    • @soskhanh Loại số 2, thuyết phục bằng lý lẽ, nhưng pha thêm thuyết phục bằng tình cảm.
       
    • @hungnguyen1402 Về vấn đề phương pháp quảng cáo

      Lựa chọn đối tượng quảng cáo

      Được bạn Hưng khen nên gắng sức viết tiếp phần này

      Điều hiển nhiên ai cũng hiểu là chọn đối tượng quảng cáo đúng mục tiêu thì hiệu quả sẽ cao hơn rất nhiều. Bạn có thể xem xét một số cách lựa chọn đối tượng sau

      - Chọn đối tượng phù hợp dựa trên hành vi, thói quen, thông số tương đồng với sản phẩm, dịch vụ của bạn. Ví dụ đơn giản là quảng cáo ô tô trên site đàn ông, quảng cáo quần áo trên site phụ nữ, quảng cáo đồ cho trẻ trên site các mẹ mướp, quảng cáo du học vào chuyên mục giáo dục báo dân trí. Tuy nhiên đây là cách thức đơn giản nhất, thực tế nếu bạn sử dụng các mạng quảng cáo có công nghệ tốt thì bạn vẫn có thể quảng cáo váy trên site chuyên đàn ông vì hệ thống tốt sẽ có khả năng chọn phụ nữ vào site đàn ông (ví dụ vợ vào theo dõi chồng trên linkhay) để quảng cáo phù hợp. Một ví dụ khác là quảng cáo theo độ tuổi, giới tính, khẩu vị, thói quen đọc báo, v.v... Các mạng quảng cáo khác nhau như AdMicro, FaceBook, Google có các thế mạnh khác nhau trong phương pháp lựa chọn độc giả. Ví dụ Google AdWords mạnh về quảng cáo theo từ khóa, tức là đánh trúng nhu cầu khách hàng, nhưng khả năng thuyết phục, giới thiệu nhu cầu mới là rất kém. AdMicro là mạng content nên năng lực thuyết phục cao hơn, FaceBook có đặc trưng trong lựa chọn theo độ tuổi, giới tính, v.v.....

      - Chọn đối tượng tự động bởi mạng quảng cáo. Nếu bạn đặt các tracking code phù hợp thì các mạng như AdX for Ecommerce của AdMicro có khả năng tự động chọn đối tượng khách hàng cho bạn tùy theo từng campaign với mức giá rẻ nhất. Phuong pháp này được cái khỏi phải nghĩ, mà yên tâm là có giá và độ phủ rẻ nhất, không được cái này cũng được cái khác và là lựa chọn của khá nhiều khách hàng.
       
    • @hungnguyen1402

      Lựa chọn đối tượng quảng cáo - Tiếp theo

      - Chọn đối tượng dễ thuyết phục. Đặc biệt với các quảng cáo dạng thuyết phục thì site nội dung uy tín cao có sức thuyết phục hơn. Ví dụ bạn đọc một bài báo trên cafef kiểu gì vẫn có độ tin cây hơn các báo không chuyên ngành hay đọc trên một status facebook, cùng một lượt đọc, cùng một nội dung nhưng ấn tượng mạnh hơn, sức thuyết phục cao hơn.

      - Chọn đối tượng phù hợp dựa trên trạng thái của họ trong sale funnel. Sales funnel là cái "phễu mua hàng", thuật ngữ trong ngành bán hàng. Một khách hàng sẽ đi từ chưa biết --> biết về sản phẩm --> khơi dậy nhu cầu --> quan tâm tới mặt hàng ---> hỏi mua ---> mua, sau đó rẽ nhánh là mua tiếp lần 2 hoặc rời bỏ vĩnh viễn. Quảng cáo dựa trên sales funnel là phương pháp đánh vào từng khâu trong phễu mua hàng của khách hàng. Có thể rút gọn sales funnel lại thành quá trình ngắn gọn hơn bao gồm quảng cáo kiếm khách mới, quảng cáo củng cố tâm lý khách mới mua, quảng cáo sản phẩm mới vào khách hàng cũ, và quảng cáo lôi kéo khách hàng đã bỏ đi. Mấy quảng cáo khiến các bạn hay ngạc nhiên theo kiểu vào Amazon mua một mặt hàng, sau đó thấy facebook quảng cáo đúng mặt hàng đó cho bạn là một dạng retargeting trong phễu mua hàng của khách hàng. Giải pháp adx for ecommerce của admicro có hơn chục phương pháp để đánh vào sales funnel, cho hiệu quả nhiều khi tăng lên tới 4-10 lần so với thông thường, tuy nhiên đòi hỏi tích hợp kỹ thuật chứ không đơn giản như các loại hình kia và vì thế thị trường không được rộng mà chủ yếu tập trung phục vụ một nhóm khách hàng sản lượng lớn, kỹ thuật tốt. Phần này hơi khó hiểu nhưng là dạng hiệu quả nhất trong các loại quảng cáo.

      Nếu muốn hiểu tốt hơn về Sales funnel thì bạn có thể Google ra cả một rổ, hoặc bấm vào link này mình đã google hộ bạn https://www.google.com/search?q=Sale+Funnel&tbm=isch&imgil=UTPmvq7zFUcNOM%253A%253BoDjrpog82ZgbOM%253Bhttp%25253A%25252F%25252Faskarimedia.com%25252Fwhat-is-a-sales-funnel&source=iu&pf=m&fir=UTPmvq7zFUcNOM%253A%252CoDjrpog82ZgbOM%252C_&usg=__vCOff_DCwl9rf3mdstdblwJNHHw%3D&biw=1920&bih=943&ved=0CDMQyjc&ei=ppAyVanYDo_U8gWc7oAI#tbm=isch&q=Sales+Funnel&spell=1
    • @tanng Cảm ơn anh, các câu trả lời của anh rất chi tiết, có sự suy luận logic nên đọc dễ hiểu, đặc biệt là rất thực tế. Em nghĩ anh có thời gian nên viết một cuốn sách, rất hữu dụng cho những người đang ở giai đoạn doanh nghiệp nhỏ và vừa.
       
  • Xin hỏi quỹ lương của VCCorp chiếm bao nhiều % tổng chi phí?
    • @thinker Có số liệu ở trên đấy, bạn lấy số đó tính ra thì cũng gần đúng được, còn số liệu quá chi tiết thì theo nguyên tắc mình không công bố tùy tiện được.
       
    • @TanNg mặc dù mảng quảng cáo là chủ lực nhưng chênh lệch gross billing và revenue kinh quá. VCC có đội tài chính riêng hay là nhờ đội bác @Tungdang tư vấn luôn anh
       
    • @Hungnguyen1402 Có một số phần của quảng cáo ghi nhận là doanh thu bán hộ nên ghi vào gross Billing, phần mình ghi có 5-25%. Còn bên ecom thì vì bên mình là bán hộ nên doanh số hàng hoá ghi vào gross billing, revenue ghi nhận phần của mình ăn chênh thôi.
       
  • Cũng góp vui vài câu hỏi gửi bác

    1. Sản phẩm Linkhay đối với VCC có lãi không?

    2. Theo bác doanh nghiệp Việt có thể tận dụng Facebook ở điểm gì để phát triển kinh doanh?

    3. Tên 3 cuốn sách đã từng đọc mà bác cảm thấy nó giúp ích cho công việc hiện tại của mình nhất?
     
    • @cobb

      1 - Linkhay với VCC có lẽ là lỗ, hiện tại dev đã chuyển sang hết việc khác, chỉ còn duy trì hệ thống thôi. Giờ ko đủ người, tiền để làm tốt linkhay, nhưng vì vui mà cũng không thiệt hại mấy nên cứ để đó duy trì (hơi cá nhân một tí)

      2 - Cá nhân nhỏ lẻ bán hàng có thể tận dụng facebook rất tốt, còn doanh nghiệp quy mô lớn hơn hầu như khó khai thác FB vào hoạt động kinh doanh (ngoại trừ bỏ tiền mua quảng cáo). Sau này nếu FBM for business phát triển thì có thể sẽ khác. Hiện nay bọn mình là công ty chuyên online mà khai thác FB cũng chủ yếu là mua quảng cáo, những cái khác rất khó

      3 - Quyển quan trọng nhất với mình có lẽ là Seven Habits of highly effective people, nó vừa là quyển sách lối sống, thái độ, vừa vẫn là quyển áp dụng rất mạnh vào thực tế sau mấy chục năm làm việc, nó như một quyển sách định hình lối sống và làm việc của mình. Ngoài ra còn mấy quyển khác như
      - Bộ sách cạnh tranh của Michael Porter giúp hiểu về cạnh tranh và kinh doanh ở mức vĩ mô
      - Quyển Blue Ocean cũng về cạnh tranh nhưng ở góc độ người phát triển kinh doanh và làm sản phẩm, và
      - Quyển Innovation Work nói về sáng tạo chuyên dùng cho các suy nghĩ định hướng lâu dài trong phát triển sản phẩm
       
    • @tanng Tận dụng FB đạt được tầm như HaiVL vừa rồi, giả sử ko dính cú phốt yểu mệnh và bác lại nắm quyền điều hành nó thì bác có mở rộng quy mô hay có hướng phát triển gì để nó lên tầm cao mới ko? Hay ít ra cũng làm cho nó sinh lãi lâu dài bền vững như kenh14 chẳng hạn?
       
    • @cobb Mấy site media lại là chuyện khác. Tưởng bạn nói chung về các công ty kinh doanh hàng hóa, sản pphẩm, dịch vụ.

      Case của haivl khá đặc biệt là nó đánh vào một mảng nội dung mà chỉ các công ty nhỏ mới dám làm, các công ty lớn không dám đua theo. Hoặc case của Cốc Cốc đang đánh vào khả năng "vượt rào", các công ty có lực rồi chắc không dám tham gia luôn.
    • @tanng À ko, đoạn trên bác trả lời đúng ý em hỏi rồi nhưng tự nhiên nhớ ra bon Haivl nên hỏi thêm thôi . Tks bác đã chia sẻ.
       
  • Em đang có dự định học MBA, a cho e lời khuyên về việc học MBA ở VN nha, e thực sự phân vân giữa giá trị bằng MBA nếu được đào tạo ở trong nước và nước ngoài như thế nào? Nếu cách biệt là quá lớn a có khuyến nghị nào cho e nếu dự định học MBA nước ngoài ko? Vd như: nước nào, các thuận lợi của việc học tại quốc gia đó (danh tiếng, học phí...)
     
    • @d4rksoul Mấy cái này mình không rõ nên khó có thể khuyên được gì. Cá nhân mình thích Mỹ nhất vì phong cách học của họ tự do thông thoáng và thực tế cao hơn châu Âu. Nhưng Mỹ có ti tỉ loại trường, nên cũng ko biết ở đâu thì ok. Tốt nhất bạn nên tìm tư vấn ở ai hiểu biết hơn mình.
       
    • @tanng e cám ơn a nhiều nhé
       
    • @d4rksoul Mình thấy nếu mà có điều kiện bạn nên nghiên cứu chương trình MBA của mỹ. Bạn có thể xem US News để xem ranking của trường.
      Mình thấy nếu có khả năng và điệu kiện kinh tế cho phép thì nên vào trường hạng cao nhất có thể, vì về lý thuyết của MBA bạn có thể mua sách về đọc, các trường hơn thua nhau ở chỗ nó rèn luyện các kỹ năng mềm, với networking của trường thế nào. Thế nên nếu chỉ đọc về chương trình trên mạng thì sẽ thấy các trường nó khá giống nhau, nhưng các trường đều có những ngoại khoá riêng để làm nó nổi trội hơn các trường khác đấy, tiền nào của nấy thôi
       
    • @leo222 tài chính là vấn đề lớn nhất của mình nên mình nghĩ chỉ có thể đi trong khu vực
       
    • @d4rksoul thế thì bạn có thể nghiên cứu về học bổng fullbright xem, nó hỗ trợ gần hết chi phí đấy, tất nhiên là quá trình xét duyệt cũng không phải dễ, hoặc các trường cũng có học bổng riêng của họ, nhất là mình là VN họ cũng muốn vào để cho có diversity Ngày xưa mình được cho gần hết học phí. Mình thì không biết bạn đang làm gì, và có ý định gì cho tương lai, nhưng mà bản thân mình thấy sau khi học MBA xong mình thấy hơi tiếc vì dành cho những người có kinh nghiệm rồi và muốn nâng cao, còn mình tuy có kinh nghiệm đi làm vài năm nhưng vì vẫn chưa xác định rõ ràng tương lai lắm nên học hơi phí vì MBA nó dạy rộng, mỗi ngành 1 tý nên chả có ngành nào sâu Hồi đó mà học master finance/accounting/financial engineering thì sâu hơn nhưng được cái lại học được nhiều soft-skill hơn đâm lại hay vì mình giờ nghề mình chọn cũng k cần core-skills kia lắm.
       
  • @TanNg : Đọc comment của anh thích quá cũng phải reg cái nick linkhay vào học hỏi chút.
    Em dân IT không biết kinh doanh nhưng lại muốn kinh doanh. Phi thương bất phú. Có bài toán hỏi anh về phát triển thị trường.
    Ngành nghề truyền thống (bún, bánh) ở Bắc Ninh. 80% thị trường Hà Nội quê em phân bổ. Nhưng phát triển nhỏ
    lẻ. Mạnh ai người đó đi đổ mối, giao buôn. Em muốn bước chân vào thị trường này vậy:
    - Chất lượng thì có lẽ gần như nhau. Không khác biệt. Vậy phát triển thị trường, khách hàng, cách tìm khách hàng mới, khách hàng đang lấy hàng của người khác. Cách nào tối ưu và giảm thiểu trạm trán ( Có bảo kê, ganh đua có lẽ do đó mà làng nghề ở Bắc Ninh ít phát triển được mạnh do nạn bảo kê đánh chém, cạnh tranh không công bằng)
    - Khi gặp tình trạng bảo kê, tranh giành thị trường. Theo anh cách giải quyết nào tốt nhất cho người yếu thế chân ướt chân dáo?

    Thanks anh,
    Handx
     
    • @amenosa

      Nguyên lý cơ bản trong lựa chọn lĩnh vực kinh doanh là nếu bạn đâm đầu vào một thị trường mà quá nhiều người tham gia kinh doanh, quá dễ tham gia thì bạn sẽ rất khó thành công, càng dễ làm càng khó ăn, vì dễ làm thì ai cũng làm được, và dù giỏi tới đâu thì tất cả sẽ cạnh tranh nhau tới chết. Thị trường bạn nêu là một thị trường như vậy, cực kỳ khó ăn, kể cả khi bạn ăn được rồi thì người khác vẫn có thể chen chân vào để giành miếng cơm của bạn. Như vậy nếu bạn quyết định tham gia nó thì phải cân nhắc kỹ xem liệu bạn có thắng lợi được không.

      Nguyên lý tiếp theo là nếu muốn thắng trong thị trường kiểu này hoặc bạn phải có một đam mê sâu sắc và một ý chí mạnh mẽ hoặc bạn phải phải có một lợi thế riêng biệt, dài hạn, không ai có được, không ai bắt chước được, hoặc cực kỳ khó và tốn kém để bắt chước và theo đuổi.

      Đam mê thì khỏi nói, người đam mê sâu sắc dù làm gì hoặc việc khó tới đâu cũng có khả năng tạo nên các điều kỳ diệu. Tuy nhiên nếu bạn có đam mê thì có thể lựa chọn đặt đam mê của bạn vào những thứ dễ ăn hơn, không dứt khoát cứ phải đam mê những thứ khó nhá.

      Trường hợp thứ hai là bạn tìm ra một lợi thế riêng biệt, dài hạn mà chỉ riêng bạn có khi tham cái ngành hàng bún, bánh này. Mình không hiểu ngành này nên không biết là có thể có lợi thế đặc biệt gì để khuyên bạn, nếu định làm có lẽ bạn nên tìm ra điều đó. Tuy nhiên có vài ý tưởng trong sách như sau mà bạn có thể tham khảo:
      - Mở công ty lớn, thương hiệu, nhấn mạnh vào tính đảm bảo. Thị trường ngàn người kinh doanh có một đặc điểm là chỉ cần một người làm láo là cả ngàn người cùng mang tiếng. Vì vậy một thương hiệu nổi, uy tín (ví dụ VinGroup làm bún, FPT làm bún) sẽ giúp khách hàng yên tâm và tin tưởng lựa chọn hơn sau mỗi cơn sóng gió,
      - Có phương pháp và công thức bí mật giúp bạn có chi phí thấp hơn người khác, sản phẩm tương đương bán được giá thấp hơn. Đây là lợi thế bền vững, lâu dài không ai theo đuổi được. Tuy nhiên nếu công thức của bạn bị lộ, hoặc có một ai đó tìm ra công thức sản xuất rẻ hơn bạn thì bạn sẽ bị đánh bại bằng ngay chiến lược của mình.
      - Có công thức bí mật giúp sản phẩm của bạn có hương vị ngon, đặc biệt và khó trộn lẫn. ĐIều này có lẽ khó với bún, bánh nhưng các ngành nghề khác liên quan ẩm thực hoàn toàn có thể áp dụng công thức này
      - Sản xuất bằng phương pháp của làng nghề này, nhưng lấy tên địa phương khác. Nếu sản phẩm của bạn lấy tên địa phương khác thì tự dưng chính bạn đã trở nên khác biệt với số còn lại. Một lợi thế cũng độc đáo về cạnh tranh, đồng thời giúp bạn dứt bỏ toàn bộ các quan hệ rắc rôi mà bạn nêu. Bất lợi là người ta chắc gì đã chịu mua bún từ một địa danh không có tên tuổi.

      Nói chung mấy ý tưởng mình nêu ra là nói chơi thôi, đọc cho vui chứ chắc khó có khả năng thành hiện thực, nhưng nếu bạn hiểu được nó thì có thể áp dụng theo một cách khác của riêng bạn.
       
  • Em rất hâm mộ kiến thức anh Tân và thích đọc, học từ các bài viết của anh.
    Nhân đây em cũng muốn nhờ anh tư vấn.
    - em có tốt nghiệp và có bằng kĩ sư IT, tuy nhiên từ lúc ra trường cho đến nay em không có xin và làm việc bên nghành này. Một là do ra trường em thấy kiến thức mình không vững, hai là tính em hơi ham chơi và thích kinh doanh.
    - tuy nhiên lúc ra trường em không có vốn, dưới 1 triệu, em chọn kinh doanh đồ ăn uống vĩa hè, thu nhập đủ nhu cầu cơ bản. Bây giờ thì lại qua kinh doanh quần áo giá rẻ, thu thập cũng bấp bênh và thấp, trung bình cũng tầm 10tr/th và ít có khả năng đột biến nếu cứ như vậy...
    - e muốn nghe nhận xét của a là em bỏ nghành học làm khởi nghiệp có sai không, và nếu em muốn theo con đường kinh doanh thì em cần phải phát triển thêm điều gì. Ví dụ như học thêm khóa học kinh doanh, hay xin làm kinh doanh ở 1 số công ty trong nước hoặc đa quốc gia để lấy thêm kinh nghiệm và phát triển. Hoặc gom vốn đầu tư cái khác...
    - e rất thích đọc các bài viết về kd, hay game show như ceo, liệu có hỗ trợ được kiến thức không ạ
     
    • @akill4u Để mai mình túc tắc trả lời nhé, hôm nay trả lời nhiều quá kiệt hết cả não. Nhưng nói trước để bạn vui là mình nghĩ bạn đang không làm sai cái gì.
       
  • Cho em hỏi 2 câu nha an:

    1- Nếu 1 số người quan trọng trong nhóm của mình mất đi khi mà rất khó để thay thế thì mình sẽ cố giữ lại hay ráng tìm người mới ? Vì trên đường đi sẽ gặp ít nhất vài lần, và a đã giải quyết ra sao? có thể chia sẻ dc ko anh?

    2- Về vốn ạ, a nghĩ 1 startup nên cần đầu tư vào giai đoạn nào là tốt nhất ạ, từ lúc tự nuôi mình ổn hay là lúc cần nở rộng ạ?

    Cám ơn anh Tân.
     
    • @tmhung

      1 - Ưu tiên số một luôn là tìm cách giữ lại, dù người quan trọng hay không. Bên mình thường giải quyết bằng cách trao đổi thẳng thắng với nhau xem vấn đề ở đâu, tìm cách giải quyết nó nếu có thể. Mỗi người mỗi khác, nhưng thường thì nếu được tôn trọng, tin cậy và cảm thấy mọi sự công bằng thì người ta ít ra đi. Văn hóa "tạm ứng niềm tin" của VCCorp cũng khiến nhiều người ít nghĩ tới việc ra đi hơn. Nói chung cái vụ nhân sự này thì riêng nó đã là cả một chủ đề lớn và phức tạp không kém gì nguyên cả cái chủ để phát triển kinh doanh này đâu.

      2 - Nhận đầu tư càng sớm thì bạn sẽ càng gặp vướng với nhà đầu tư hơn. Lời khuyên của mình là lùi việc nhận đầu tư lại muộn nhất khi còn có thể, tốt nhất là vào giai đoạn cần nở rộng, hoặc vào giai đoạn không nhận đầu tư thì sẽ tụt hậu. Nhưng đầu tư kiểu gì thì đầu tư thì nên chọn nhà đầu tư càng ít can thiệp càng tốt, càng nhìn xa càng tốt, càng keo kiệt càng tốt, hoặc ít nhất là phải rất hiểu và tôn trọng mình.
    • @TanNg dạ. E hiểu rồi, cám ơn anh.
       
  • Một công ty dịch vụ xuất nhập khẩu dưới 20 nhân viên, ở Bình Dương, doanh thu và lợi nhuận ổn định, nhân sự rành internet, có khoảng 200 triệu/năm để phát triển một sản phẩm mới. Theo bác nên chọn sản phẩm nào?

    KLQ: bác làm ơn tăng những topic như này giùm. Nhờ nó mới thấy nhiều bạn nam Linkhay còn có chút chí hướng, không phải bị nòng nọc lên não như ông cuong205a và mấy cái link của ổng.
     
  • đọc nãy giờ toàn thấy IT với Marketing em chỉ vào ủng hộ chứ không tham gia được Bác cho em hỏi bác thấy thế nào về khả năng phát triền của ngành luật ở VN? Như VCC của bác có Legal Department k hay thuê bên ngoài?(Em học J.D ở Mỹ)
     
  • Trong 1 topic khác, anh có đánh giá về sản phẩm và mảng kinh doanh của Cốc Cốc, nên em muốn hỏi thêm:

    1. Anh đánh giá sao về các sản phẩm về mobile mà các công ty như Appota và mWork đang xây dựng?

    2. Các công ty này so với VCCorp hiện nay và VCcorp thời điểm năm thứ 3, thứ 4 thành lập thì có gì hơn, và có gì kém hơn?

    Em cảm ơn anh!
     
    • @boyviet

      1. Sản phẩm của Appota và mWork hơi thuộc dòng hơi "black" market, không đánh vào nhu cầu cốt lõi của người dùng mà đánh vào khai thác lỗ hổng, thậm chí các lỗ hổng pháp lý. Anh không khoái hướng này lắm và có xu hướng không tham gia các thị trường này vì phong cách của anh là thích làm cái gì cốt lõi hơn. Nói vậy không có nghĩa là anh chê kiểu làm này, rất nhiều người thành công hoặc đi lên từ các kiểu làm này. Nói vậy chỉ có nghĩa là anh không khoái nên không quan tâm lắm tới các công ty này.

      2. Vì không quan tâm, không khoái, hai kiểu kinh doanh khác hẳn nhau nên rất khó so sánh với nhau. Nhưng anh có nhận xét là các công ty kiểu như vậy thì có đặc điểm rất mạnh là "thực dụng", trong kinh doanh thực dụng là quan trọng lắm; còn VCCorp không mạnh về thực dụng nhưng lại mạnh về "kỹ năng và sáng tạo"
       
  • Anh Tân cho em hỏi ké 1 câu với:
    - Thường các trang kiểu kiểu như Action dot vn, hoặc các trang mang tính kiểu trang tin (tự viết hoặc cộng đồng đóng góp) thì nguồn thu họ hướng tới là từ đâu vậy anh?, hay chỉ đơn giản là hobby?
     
    • @buon_cuoi_that Cái đó chắc em phải hỏi họ, nhưng anh nghĩ một trong các nguồn thu là PR, truyền thông, event. Nhưng động lực cơ bản nhất chắc là hobby vì làm mấy cái này tiền chắc chắn ko nhiều, nếu không nói là ít.
       
    • @tanng : Vâng, em cảm ơn anh.
       
    • @buon_cuoi_that Một kênh để tăng brand cho các bạn ấy, sau đó đi làm các thương vụ offline nhiều hơn.
      Môi giới, mời gọi đầu tư, kết nối dev và nhà đầu tư.
      Mình chỉ biết có vậy, có gì sai thì @sauxanhh lượng thứ và fix nhé
       
    • @buon_cuoi_that Hello, mình xin phép chọt chẹt một chút xíu nhé. Thật ra nguồn thu từ website không hề lớn, nguồn thu từ dịch vụ PR & event là đa số thôi Nhưng trên hết là hobby và cả đam mê bạn ạ. Mình làm cái món này 5 năm, chắc là dai dẳng nhất trong số những site nổi lên tính tới thời điểm hiện tại, trải qua bao nhiêu cay đắng ngọt bùi, phải làm thêm đủ thứ job để nuôi nó. Thế nhưng tới bây giờ vẫn cảm thấy chưa muốn dừng lại
       
  • Cho em hỏi 1 câu.
    Theo anh thì trong quá trình kinh doanh 1 sản phẩm game/app di động, thì anh thấy những yếu tố nào giúp giữ chân khách hàng tốt nhất?
    Hơi liên quan tý là, Game/app mobile quảng bá qua những kênh nào thì sẽ "đọng" nhiều khác nhất?
    Cảm ơn anh.
     
    • @ntvim88

      Về việc "đọng" khách hàng thì tùy từng game mà các kênh, các phương pháp quảng bá khác nhau tạo tỷ lệ đọng khác nhau --> phải chia và đo lường thôi. Có kết quả đo lường lần trước thì lần sau tự dưng sẽ có kinh nghiệm. Cái cần lưu ý là tỷ lệ khách hàng "đọng lại" không chỉ phụ thuộc vào kênh quảng cáo mà phụ thuộc trải nghiệm ban đầu của khách hàng, làm tốt cái này thì tiết kiệm kha khá chi phí.

      Game thì yếu tố cơ bản là fun hoặc kill time, người làm cái gì cũng vậy, sau một thời gian làm thường hay nhắm tới lôi kéo, thu hút và bỏ rất nhiều công sức và tiền bạc vào đó, trong khi đó việc quan tâm tới làm sao khách hàng vui, thoải mái lại không được bỏ nhiều thời gian. Trong game thì fun hoặc kill time là hai yếu tố cần nhắm tới cải thiện để giữ chân khách hàng.
       
  • Trong đầu cũng có nhiều câu hỏi mong anh giải đáp nhưng cơ bản thì bên em là công ty sản xuất, rất khác với cty công nghệ như anh nên em chỉ hỏi anh mấy câu liên quan đến quản trị, cái này anh là người ở vị trí lãnh đạo đã lâu nên em rất muốn được anh cho ý kiến.
    • @supersliver 3 - Anh có thể cho em một số lời khuyên về quản trị sản xuất được không ạ? Từ khâu lên kế hoạch đến triển khai kế hoạch cũng như đánh giá lại sau khi hoàn thành xong. Bản thân em cũng là người mới, lĩnh vực sản xuất gỗ cũng là mới tinh với em nên rất bỡ ngỡ trong việc này, cả năm 2014 công ty loay hoay trong việc sản xuất không có định hướng, không có mục tiêu cần hướng tới, chỉ là những mục tiêu chung chung kiểu doanh thu phải được tầm này, sản xuất phải được số lượng này do lãnh đạo áp đặt, bản thân em thấy kế hoạch từ sự áp đặt của lãnh đạo mà không phải là kế hoạch được xây dựng và phản biện từ các bộ phận liên quan thì đến khi tổng kết lại ai cũng ngó lơ trách nhiệm của họ, vì họ nghĩ rằng "Kế hoạch là của sếp đặt ra chứ k phải của mình, k đạt được thì sếp chửi"
      Ngay cả kế hoạch 2015 đến giờ này cũng không có, nếu có cũng chỉ là bản kế hoạch do em tự làm dựa vào số liệu của năm trước, bộ phận kế toán làm sao hiểu được việc thiết kế chi phí sản xuất bằng bộ phận chuyên biệt được.

      4 - Trong lĩnh vực sản xuất, việc bán hàng nên tập trung vào những điểm nhấn nào? Anh có em vài gợi ý được không. Vì hiện tại, cty em đang rất thụ động ở mảng này, đa số là ngồi chờ khách hàng tìm đến hoặc người quen giới thiệu, đặc biệt là mặt hàng chủ lực của cty là xuất khẩu trong khi ngồi nhà chờ đợi đơn hàng hoặc phó mặc cho sếp đi tìm thì em thấy cách làm này manh mún quá.

      Thời điểm hiện tại thì cty đang rất nguy cơ, khả năng thanh toán rất thấp, mảng sản xuất chỉ đủ năng lực trả lương cho chính nó, các chi phí lãi vay, quản lý, bán hàng thì phải đài thọ bằng nguồn vay bên ngoài, tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ đã lên tới 230%. Trong tay em cũng không có số liệu của các đơn vị khác để so sánh (số lượng các doanh nghiệp cùng ngành riêng miền bắc cũng không nhiều), hoặc có nhưng cũng chưa biết tìm ở đâu, vì thế năng lực sản xuất của cty ntn, so sánh với doanh nghiệp cùng ngành ra sao, hiệu quả sản xuất có tốt không? Những cái này em hoàn toàn không có thông tin. Bây giờ hàng tháng phải lo chạy nợ, đảo nợ cũng đủ mệt lắm rồi anh ạ, không biết tình hình này có sảng sủa lên được không nữa.
       
    • @supersliver Hỏi dài thế. Từ câu 1 tới câu 3 là vấn đề quản lý, hơi nằm ngoài AMA này, mảng sản xuất đặc thù về quản lý sẽ khác bên anh, với lại nếu trả lời hết thì dài phải mấy chục trang nên chắc anh sẽ không trả lời mấy câu này mà chỉ tập trung vào câu 4.

      Tổ chức thúc đẩy bán hàng thường theo 2 kiểu chính

      - Inbound Marketing: Ngồi nhà và chờ khách hàng liên hệ. Bán hàng kiểu này cần có tổng đài, web, đầu mối nhận tiếp nhận yêu cầu của khách và quy trình bán hàng tiếp theo tổ chức thật tốt để có thể biến người quan tâm thành người mua
      - Outbound Marketing: Sàng lọc khách hàng tiềm năng, sau đó tiến hành liên hệ trực tiếp để bán hàng. Bán hàng kiểu này cần tổ chức tốt, cơ chế quyền lợi cho sale rõ ràng.

      Cả hai kiểu bán hàng đều rất quan trọng, sơ bộ thì thấy bên em chưa tổ chức bán hàng theo kiểu thứ 2, kiểu thứ nhất chắc cũng chưa pro lắm. Nếu cải thiện tốt chắc doanh số cũng phải tăng vài chục phần trăm. Nói ngắn gọn hai dòng thế thôi, chứ đây là hai mảng cực lớn, mỗi công ty lại mỗi khác, nếu em quan tâm thì có thể search các cụm từ như sale process, marketing CMR, outbound marketing, inbound marketing, cold calling và đọc xem có gì phù hợp với công ty mình.
    • @supersliver

      gợi ý câu 3
      cty bạn hình như đang vướng phải khâu planning forecast. Muốn vậy nên làm tuần tự các bước sau :

      cty áp doanh số cho sales
      Sales đưa ra được các pipelines để đạt được doanh số đó
      trong từng pipeline, sales phải nói được các ý sau
      ***Sales có được spec yêu cầu từ khách hàng, đảm bảo đúng yêu cầu
      ***sales định vị được phân khúc giá khách hàng hướng tới
      ***sales phải forecast được volume thị trường cần và volume khách hàng cần
      ***sales lường được phướng án cho potential risk : lỡ khách hàng cắt cái cụp phải làm thế nào, sản phẩm return tìm phương án thế nào, ...
      .
      Forecast là vô cùng quan trọng. Với forecast từ sales:
      ***finance sẽ sắp xếp nguồn lực hợp lý
      ***purchasing se mua hàng vừa đủ +safety stock >> inventory sẽ thấp nhất, tránh thiếu trước hụt sau
      ***planning sẽ sắp xếp đúng nguồn lực . Ví dụ tháng 05 cần xuất 30 công, planning sẽ sắp xếp rải rác từ đầu tháng đến cuối tháng, ko dần cục để quá tải tăng ca. tháng 06 cần xuất 60 công mà năng lực nhà máy chỉ có 45 công tối đa, planning phải biết sắp xếp gia công ngoài hay thuê máy gì đó đáp ứng yêu cầu Sales
       
    • @supersliver gợi ý câu 4
      phải xác định rõ thế mạnh của mình : mình mạnh trọng tier 01, tier 02 ( premium ) hay tier 10 (đạp giá mà đi)
      giả định mình là premium đi, hàng mình là hàng đỉnh thị trường thì sau đây là những gợi ý:
      .
      -làm workshop : mời khách hàng hiện tại.tiềm năng và đảm bảo rằng họ ngồi chung mâm với nhau được , mời 1 chuyên gia đầu ngành về present về specialist, chẳng hạn mời ông Tân nói về internet, mời Baltimo nói về gái, ...tất nhiên là chuyên về wood, furniture premium để thương hiệu mình định vị trong lòng khách
      .
      -với khách tiềm năng: lam bạn trước , làm đối tác sau. Khách tiềm năng chơi cái gì mình chơi cái đó. Khách nhậu mình nhậu, khách bida mình bi da, khách golf mình học golf, ...ko nhậu nổi rủ mấy thằng đệ theo đỡ dùm...riết rồi nó thấy mặt mình hoài, khi nguồn cung nó bị rớt thế nào mình cũng có cơ hội
      .
      -với khách đang nhận được offer tốt hơn mình : tìm hiểu đối thủ có gì mình có thể hay hơn : CS, TS (thời gian phản hồi mình tốt hơn, khách alo nữa tiếng có mặt ngay), leadtime (mình giao hàng nhanh hơn), công nợ (mình cho nợ lâu hơn), hàng mình warranty, certified quốc tế, mình có quan hệ báo chí tốt hơn, giúp khách lăng xê , rebate mình đã hơn (đạt 1 triệu rebate 5%, 2 triệu 10% ...

      .
      với tất cả những lợi thế, phải trình bày thật chuyên nghiệp , phải dollarisation được là khách chơi với mình khách mua mắc hơn, nhưng về long term khách sẽ lợi chừng này và tự tin vào điều đó để thuyết phục ...
       
    • @tanng, @cuong205a Cảm ơn mọi người về những ý tưởng trên, đặc biệt là cho mảng bán hàng, bên em đang rất yêu mảng này, hàng tồn kho nhiều mà k xuất đi được, chính là do tất cả mọi người đều là mới trong lĩnh vực gỗ này, gây dựng quan hệ đối tác cũng phải bắt đầu lại từ đâu. Đúng là khởi nghiệp thật sự rất khó khăn.
      Như phân tích của mọi người với quan sát của em thì chủ yếu là do không có định hướng và phương pháp làm việc tiên tiến, mảng dự báo thị trường bên em cực kỳ yếu, phòng kinh doanh gần như mù tịt về nhu cầu thị trường năm 2014.
      Bây giờ đúng là lại rơi vào vòng xoáy thiếu tiền, muốn làm gì cũng khó. Em sẽ trao đổi thêm với sếp để sếp cải tổ lại phương pháp làm việc trong công ty.
       
  • add ơi cho em hỏi tý đc k ạ là như nầy,em làm cái blogspot với từ khóa thao lap dieu hoa em thì chưa hiểu về seo chỉ đi vài cái diễn đàn và g+ vậy mà lên tốp 3 rồi.add cho em hỏi liệu có giữ tốp đc lâu không nhỉ ?
     
  • Add cho em hỏi ngu tí ạ.chả là e có site với từ khóa bao duong dieu hoa đi backlink liên tục 10 ngày nay mà vẫn trang 3 k dịch lên tí nào.liệu có nên đi nữa không ạ
     
Viết bình luận mới
Website liên kết