'Dân tin Đảng nhưng không tin vào một bộ phận cán bộ lãnh đạo'

23/10/2015 17:17 GMT+7

(TNO) Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm chia sẻ thông tin trên tại phiên thảo luận ở tổ của Quốc hội ngày hôm nay 23.10.

(TNO) Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm chia sẻ thông tin trên tại phiên thảo luận ở tổ của Quốc hội ngày hôm nay 23.10.

nguyen-thi-quyet-tamPhó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: Ngọc Thắng
Thảo luận về các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng 12, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, không đồng tình với đánh giá trong Nghị quyết về việc “Niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, chế độ có mặt bị giảm sút”. Theo bà Tâm, qua các cuộc tiếp xúc cử tri thì thấy người dân Việt Nam vẫn rất tin Đảng. “Qua việc sửa đổi Hiến pháp 2013 mình thấy rằng lòng tin của người dân với Đảng vẫn vẹn nguyên. Qua bao nhiêu khó khăn, biến cố, càng khó khăn Đảng càng vững vàng, người dân càng tin vào Đảng”, ĐB này dẫn chứng.
“Vậy người dân không tin ai? Người dân không tin vào một bộ phận đội ngũ cán bộ lãnh đạo, không tin vào việc làm cụ thể của những con người cụ thể của những bộ phận cụ thể làm mất niềm tin của người dân. Còn đối với sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam thì người dân vẫn tin tưởng cho nên đánh giá như thế chưa sát, cần tính toán lại”, ĐB Quyết Tâm bày tỏ.
Theo ĐB Quyết Tâm, cần có cơ chế để Đảng thể hiện sự tin dân. ĐB Quyết Tâm cho rằng các hoạt động lấy ý kiến góp ý của dân Đảng, Nhà nước cần có sự tiếp thu, giải trình lại, tránh tình trạng làm chưa tốt như thời gian qua. “Người dân cứ nói, còn nói có được lắng nghe không, có được tiếp thu không thì chúng ta không giải trình. Như vậy là thể hiện sự trọng dân, tin dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong hành xử cụ thể chưa được trọn vẹn”, ĐB Tâm nói.
Phương thức lãnh đạo của Đảng còn lúng túng
Đóng góp ý kiến liên quan đến phương thức lãnh đạo của Đảng, ĐB Quyết Tâm bày tỏ đồng tình với nhận định tại dự thảo về việc “đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội còn chậm...; phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước có những nội dung còn lúng túng”.
Theo ĐB Quyết Tâm, thực tế cho thấy sự lúng túng trong phương thức lãnh đạo của Đảng biểu hiện ở sự thiếu đồng bộ trong đổi mới trong một số khu vực, một số việc. Cần có phân định rạch ròi trong lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhà nước và vai trò làm chủ của nhân dân.
“Sắp tới cần làm rõ cơ chế này để không mất thời gian, lãng phí thời gian, lãng phí nguồn lực, tạo được niềm tin, sự chủ động của hệ thống chính trị. Không mất thời gian vì sao? Có những việc Đảng bàn rất kỹ rồi, đã có biểu quyết rồi, đã thành nghị quyết rồi nhưng Quốc hội vẫn thảo luận, vẫn biểu quyết. Như vậy có cần thiết không?”, ĐB Quyết Tâm nêu vấn đề.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng cho rằng, phương thức lãnh đạo cần phân định rõ vấn đề gì Đảng đã quyết thì toàn bộ hệ thống chỉ việc chấp hành, tuy nhiên mỗi bộ phận trong hệ thống chính trị có cách chấp hành khác nhau. “Từ Nghị quyết của Đảng, Quốc hội thể chế hoá thành các luật, chính sách để thực thi. Chính phủ điều hành đúng theo tinh thần Nghị quyết để làm sao đạt được yêu cầu Đảng đề ra. Không có bàn gì nữa chỉ bàn về giải pháp triển khai thế nào thôi”, ĐB Quyết Tâm nói.
Có cơ chế phát huy quyền làm chủ của dân
Vẫn theo bà Tâm, nói về vai trò của dân thì trong các Nghị quyết của Đảng, các câu chữ đều tốt đẹp, đều thấy được vai trò của nhân dân. “Chúng ta vẫn nói Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Có thể thấy Đảng đã quán triệt được tư tưởng trọng dân của Bác Hồ. Nhưng từ quán triệt đi đến có cơ chế gì phát huy vai trò đó thì Đảng cần tính thêm, cần những chủ trương mạnh mẽ hơn”, ĐB Quyết Tâm nói.
Để phát huy vai trò của người dân, theo bà Tâm, cần tin dân, cung cấp thông tin cho người dân và thực lòng với người dân. “Người dân thiếu thông tin nhiều lắm. Nhiều điều người dân cần biết nhưng thông tin cung cấp chậm và chung chung làm cho người dân không có thông tin đầy đủ”, bà Tâm nói.
Cũng theo đại biểu này, cần đảm bảo được quyền được thông tin, quyền được biết thì người dân mới phát huy quyền làm chủ của người dân. “Chúng ta nói mãi phát huy quyền làm chủ của nhân dân nhưng bằng cách nào, cơ chế nào chưa rõ. Cần có cơ chế rõ ràng hơn, thực lòng hơn để phát huy quyền làm chủ của nhân dân”, bà Tâm đề nghị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.