Làm báo cùng Giao thông

Người xe ôm kỳ quặc và góc nhìn khác về Uber, Grab

19/01/2018, 07:26

Grab, Uber khi về Việt Nam chả giống ai, vừa bất minh thuế, vừa bất cập quản lý vừa mù mờ tính chính danh...

10

Ảnh minh họa: T.Đ

1.Tôi hơi thất vọng khi người đàn ông trùm áo mưa đỗ xịch xe trước mặt và kêu ca phàn nàn đủ thứ. Rõ là tôi gọi xe ôm Uber nhưng ông ta lại mặc áo xanh Grab và đội mũ bảo hiểm... Mai Linh.

Tôi nghĩ sẽ cho điểm ông ta thật thấp vì tội vượt đèn đỏ, nói chuyện với khách thì cứ gào toáng lên và có thứ mùi rất khó chấp nhận.

Hơn thế, chẳng phải là Grab và Uber vẫn thường yêu cầu khách thông báo vi phạm nếu xe ôm không mặc đồng phục  đó sao.

Nhưng hóa ra tôi xuống xe mà chẳng làm gì, sẵn sàng tiếp tay cho người đàn ông hạ thê thảm chất lượng dịch vụ của hãng. Chỉ bởi ông ta nói không còn khách vẫy đầu đường nên vừa gia nhập đội xe ôm công nghệ. Chả biết mấy hôm nữa bị đuổi vì toàn bị khách chấm điểm thấp. “Tôi chạy cho cả 3 hãng, cô nhìn quần áo tôi thì biết”, ông ta khoe. 

Một hôm khác, tôi gọi Grabcar và thấy một đồng nghiệp báo khác... đến đón. Anh nói: “Có gì mà lạ, báo giấy giờ ế ẩm quá, tòa soạn ít việc nên tranh thủ chạy thêm”. Thì cũng chỉ như đưa đón vợ đi mua sắm hay chở hộ mấy cô bé cùng cơ quan đi đâu đó, tôi công nhận. Anh tâm sự sẽ chuyển sang chạy Uber vì hãng này có phần mềm chọn được khách đi cùng tuyến. Từ nhà đến cơ quan và ngược lại, bắt được khách đi cùng thì đỡ hẳn tiền xăng, trên đường cũng bớt được một chuyến xe.

2. Ngồi trên xe nhà báo giờ làm tài xế Grab, nghĩ đến chuyện có thể đón ai đó đi cùng chuyến và nhận tiền, tôi thật sự thú vị. Dạo trước, đi làm hơn hai chục cây số mỗi ngày, không ít lần tôi thấy ngượng khi một mình một xe 7 chỗ chiếm dụng phần đường khá lớn trong biển người chen chúc cáu bẳn. Và công nghệ mà Uber và Grab mang đến chẳng phải sẽ giải quyết được câu chuyện này?

Tiếc rằng hiện nay ở Việt Nam, Uber, Grab mới mang danh taxi công nghệ mà chưa được dùng hết các tính năng ưu việt của công nghệ để giảm tắc đường, tiết kiệm chi phí xã hội. Mà thậm chí, nó còn khiến các đô thị lớn gia tăng thêm hàng chục nghìn xe con mang danh “taxi thế hệ mới”. Trong khi số lượng người sở hữu ô tô cá nhân không kinh doanh cũng chẳng hề giảm.

Grab, Uber khi về Việt Nam đã chả giống ai, vừa bất minh về thuế, vừa bất cập về quản lý vừa mù mờ tính chính danh mà vẻ bề ngoài 3 trong 1 của người xe ôm kể trên là một ví dụ. 

3. Thời gian gần đây, Uber, Grab và taxi truyền thống luôn ở thế đối đầu sinh tử. Thậm chí, với một số thay đổi của cơ quan quản lý gần đây, chính nội bộ các hãng đã phát sinh nhiều mâu thuẫn. Điều chỉnh chính sách là cần thiết, bởi ít có luật pháp nào đi trước thực tiễn cuộc sống, nhưng điều chỉnh thế nào để những phát minh, ứng dụng mới thực sự mang lại lợi ích cho số đông chứ không phải một bộ phận nào đó lại là thách thức với nhà quản lý.

Thiết nghĩ, việc yêu cầu Grab, Uber tuân thủ các quy định của kinh doanh vận tải khách như công ty taxi, phải đăng ký và được quản lý là đương nhiên. Và việc này nhất thiết phải làm song song với việc thay đổi các quy định hiện tại với taxi theo hướng quản lý hiện đại.

Nhưng điều quan trọng nhất là phải sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để khuyến khích các hãng taxi công nghệ ứng dụng mạnh việc đi chung, chia sẻ chỗ ngồi để giảm lưu lượng xe, tiết kiệm chi phí. Thay vì ngăn cản như với dịch vụ hiện nay của Grabshare. Khi đó, có thể tiến tới việc cấm ô tô chỉ có một người đi vào một số tuyến phố giờ cao điểm.

Với một hành lang pháp lý rõ ràng, chúng ta có thể có được những hãng taxi công nghệ Việt chưa chắc đã thua kém Grab, Uber. Thậm chí, cơ quan quản lý nên quy định các hãng taxi công nghệ phải chia sẻ thông tin về nhu cầu đi lại của người dân trong nội đô như một đóng góp với xã hội. Để từ đó có giải pháp điều chỉnh luồng tuyến, đèn tín hiệu, biển báo, thay đổi hạ tầng... sao cho việc quản lý vận tải thực sự hiệu quả dựa trên những thống kê chính xác và cập nhật thường xuyên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.