MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao tiếng Việt tạo nên “cơn sốt” ở Đài Loan, Trung Quốc?

01-12-2017 - 19:16 PM | Tài chính quốc tế

Cơ quan phụ trách giáo dục của chính quyền đảo Đài Loan, Trung Quốc ước tính giáo viên tiếng Việt sẽ thiếu nghiêm trọng trong thời gian tới khi nhu cầu học tiếng Việt ở hòn đảo này tăng cao.

Bùng nổ trào lưu học tiếng Việt

Taiwan News, một tờ báo uy tín ở Đài Loan, dẫn lời cơ quan giáo dục hòn đảo này cho biết nhu cầu với giáo viên tiếng Việt và tiếng Indonesia sẽ tăng mạnh. Theo đó, giáo viên tiếng Việt chiếm 67% tổng số nhu cầu, giáo viên tiếng Indonesia là 18%, còn lại là các ngôn ngữ Đông Nam Á khác.

Chương trình giáo dục bắt buộc 12 năm của đảo Đài Loan, Trung Quốc, dự kiến được thông qua vào năm 2019, sẽ yêu cầu học sinh phải lựa chọn tiếng mẹ đẻ hoặc ngôn ngữ từ nơi nhập cư, để học với tần suất 1 tuần một lần.

Nhà chức trách đảo Đài Loan hy vọng các ngôn ngữ Đông Nam Á, đặc biệt là tiếng Việt, sẽ dần trở thành sự lựa chọn ngôn ngữ lớn thứ 2 với thanh thiếu niên Đài Loan mà phần không nhỏ trong đó là con cái của những gia đình nhập cư hay gia đình có mẹ là người Đông Nam Á. Khi trưởng thành, thế hệ thứ hai này sẽ là cầu nối hữu ích giữa Đài Loan với các nước Đông Nam Á mà họ có một nửa dòng máu.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu giáo viên dạy những ngôn ngữ Đông Nam Á sẽ khiến các trường phải chia sẻ giáo viên. Tài liệu giảng dạy tiếng Việt và tiếng Indonesia cũng đã được chuẩn bị từ nhiều năm trước đây do đó, các ngôn ngữ này cũng sẵn sàng để được giảng dạy hơn so với các tiếng khác, ông Tsai Chih-ming, quan chức cơ quan giáo dục đảo Đài Loan, nhấn mạnh.


Sinh viên học tiếng Việt ở Đài Loan, Trung Quốc.

Sinh viên học tiếng Việt ở Đài Loan, Trung Quốc.

“Miễn là học sinh có nhu cầu, các lớp học tiếng sẽ được mở ra. Trong khi đó, nền kinh tế Đông Nam Á đang bùng nổ nên việc học tiếng sớm sẽ mang lại rất nhiều hiệu quả”, ông Tsai nhấn mạnh.

Hiện tại, giáo viên dạy ngôn ngữ mới phần nhiều sẽ là những người nhập cư được đào tạo, trong đó có nhiều cô dâu tới từ Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác. Họ được tuyển chọn thông qua việc thi cử và sở hữu giấy chứng nhận của cơ quan thẩm quyền.

Tiếng Việt và cơ hội có một công việc tốt

CNA cho hay, tiếng Việt đang ngày càng phổ biến ở Đài Loan. Không chỉ học sinh, nhiều sinh viên Đài Loan, Trung Quốc coi tiếng Việt là bước đệm cho sự nghiệp của họ trong tương lai. Ông Chou Shou-Ann, trưởng phòng Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Chengchi, cho biết: “Trong 10 năm qua, số sinh viên của chúng tôi tăng gấp 20 lần. Thị trường Đông Nam Á cũng trở thành khu vực vô cùng quan trọng trên thế giới”.

Theo ông Chou, giao lưu kinh tế giữa đảo Đài Loan và Việt Nam, Thái Lan và các nước Đông Nam Á khác đang ngày càng mạnh mẽ. Vì thế, nhiều học sinh chọn khu vực này như một mảnh đất màu mỡ cho phát triển sự nghiệm tương lai. Ngày càng nhiều thanh niên Đài Loan chọn Đông Nam Á là vùng đất lập nghiệp hay có một cơ hội việc làm tốt.

“Công ty và cá nhân tôi muốn học tiếng Việt để hiểu biết hơn về Việt Nam, tạo bước đệm cho việc bắt đầu gây dựng các hoạt động kinh doanh ở quốc gia này”, một sinh viên đang theo học tiếng Việt, cho biết.

Theo thống kê, hiện tại, có khoảng 4.000 cơ hội việc làm cho thanh niên Đài Loan ở ASEAN. Nó tương đương với 1/3 số công việc mà họ có thể tìm được ở Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, ASEAN hấp dẫn hơn bởi sự phát triển mạnh mẽ cùng một thị trường mở. Với thanh niên Đài Loan, những người lỡ cơ hội đón con sóng bùng nổ ở Trung Quốc, ASEAN sẽ là miền đất hứa tiếp theo.

Với hơn 2.500 dự án, tổng số vốn hơn 30 tỷ USD, Đài Loan hiện có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ 4 tại Việt Nam.

Linh Anh

Tổng hợp

Trở lên trên