Những thầy giáo quân hàm xanh ở Vành đai biên giới Việt - Cam: Ngày tuần tra, đêm "gieo" chữ cho bọn trẻ không quốc tịch

Quỳnh Trân, Theo Trí Thức Trẻ 00:02 07/11/2017

Những đứa trẻ theo ba mẹ rời bỏ Biển Hồ, giờ nương tựa ở kênh đào Bình Châu, trong những mái nhà tranh rách lá và không có một giấy tờ hợp pháp nào để được đến trường. Thầy giáo của chúng, không ai khác lại là những chiến sỹ áo xanh đang công tác ở biên giới Việt - Cam.

Thương những đứa trẻ trở về từ Biển Hồ Campuchia với một thân phận không quốc tịch, không tương lai, những chiến sĩ biên phòng canh gác Vành đai biên giới thay phiên nhau đứng trên bục giảng, "gieo" từng con chữ cho tụi nhỏ.

Từ dòng kênh đào Bình Châu, xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, các chiến sĩ bộ đội biên phòng xuôi theo dòng sông Vàm Cỏ Tây đến cột mốc 216-1. Sau đó tiếp tục rà soát xung quanh khu vực đường biên giáp ranh giữa xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng và xã Th’mây, tỉnh Svây Riêng, Campuchia.

Khi thuyền an ninh cập bến, bọn trẻ ở xóm "Việt kiều" Campuchia đứng chờ đón trên bờ kênh 79. Trong số những chiến sĩ bộ đội biên phòng vừa làm nhiệm vụ tuần tra biên giới trở về, các em nhận ra ngay những gương mặt quen thuộc trong màu áo xanh quân ngũ: Những người thầy ở đồn biên phòng Tuyên Bình.

Clip: Lớp học tình thương của các thầy giáo quân hàm xanh ở vành đai biên giới Việt - Cam. Thực hiện: Quỳnh Trân

Những thầy giáo quân hàm xanh ở Vành đai biên giới Việt - Cam: Ngày tuần tra, đêm gieo chữ cho bọn trẻ không quốc tịch - Ảnh 3.

Biển Hồ từng là miền đất hứa với những Việt kiều tha hương bởi phù sa từ hạ lưu bồi bổ lòng hồ nên nơi đây có sản lượng cá lớn đáng kể trên thế giới. Từ hàng chục năm trước, do vùng quê nghèo khó, người dân thuộc các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã theo cha ông ra Biển Hồ đánh cá mưu sinh. Cứ thế từ đời này sang đời khác, dù nghèo tiền bạc, tri thức, nhưng hộ dân nào cũng sinh đến 4-5 đứa con. Những đứa trẻ và cả ba mẹ đều không có quốc tịch vì chính quyền Campuchia từ chối cấp cho những hộ dân sống phiêu bạt trên Biển Hồ.

Được một thời gian, việc mưu sinh trở nên khó khăn, những gia đình Việt kiều đành liều mình vượt hơn 300 cây số trên dòng Mê Kông để về nước. Họ rời bỏ Biển Hồ trở về với hai bàn tay trắng và một thân phận không quốc tịch, không một giấy tờ chứng minh gốc gác để được công nhận là công dân Việt Nam. Và bọn trẻ cũng thế!

Những đứa trẻ theo ba mẹ rời bỏ Biển Hồ, giờ nương tựa ở kênh đào Bình Châu, trong những mái nhà tranh rách lá và không có một giấy tờ hợp pháp nào để được đến trường.

Thương những đứa bé sống lay lắt ở xóm Việt kiều, đứa phơi lục bình, đứa bán vé số, là người Việt mà lại chẳng biết đọc, biết viết tiếng Việt, các chiến sĩ ở đồn Biên phòng Tuyên Bình đã mượn điểm trường Bình Châu - Trường Tiểu học Tuyên Bình để "gieo" chữ cho các em. Các chiến sĩ sẽ là những người thầy trực tiếp đứng lớp.

Buổi sáng, thầy gác biên giới, em lặn lội mưu sinh. Tối đến, lớp học mở đèn, thầy trò lại cùng "ê", "a" với nhau. Ngày nào cũng thế, lớp học bắt đầu từ 18h30 và kết thúc lúc 20h30. Học sinh có thể vắng mặt vì mệt, chứ các chiến sĩ thì không vắng buổi nào. Cứ thế từ năm 2012 đến nay, nhiều học sinh đã biết nói, biết đọc và làm toán bằng tiếng Việt.

Những thầy giáo quân hàm xanh ở Vành đai biên giới Việt - Cam: Ngày tuần tra, đêm gieo chữ cho bọn trẻ không quốc tịch - Ảnh 5.

Ghé thăm điểm trường vào một tối muộn cuối tháng 10, 4 người thầy trong màu áo xanh chia làm 2 lớp để dạy các học trò nhỏ của mình. Chiến sỹ Huỳnh Hoàng Tam (SN 1994) cho biết, anh đang giảng dạy lớp 1 với 31 học sinh.

"Có những ngày các em đi bán vé số về trễ, chưa kịp ăn cơm, vào lớp phải mang ổ bánh mì ăn cho đỡ đói. Có em thì đi giữa đường gặp mưa, vào đến lớp cả người ướt sũng, tay chân run rẩy mà vẫn không bỏ học. Nhìn các em mà tôi vừa thương, vừa nể. Chỉ cần các em có đủ ý chí đến lớp, chúng tôi dù mệt mỏi thế nào cũng đủ động lực tiếp tục đứng trên bục giảng", chiến sỹ Tam chia sẻ.

Những thầy giáo quân hàm xanh ở Vành đai biên giới Việt - Cam: Ngày tuần tra, đêm gieo chữ cho bọn trẻ không quốc tịch - Ảnh 6.

Trở về từ một cồn đất chơ vơ trên Biển Hồ ở tỉnh Pursat, Campuchia, anh Nguyễn Văn Nghi đã neo lại bờ kênh biên giới này được 5 năm qua. Anh Nghi có 2 đứa con gái, ngày bắt xe buýt đi bán vé số tận cửa khẩu Bình Hiệp để phụ gia đình, tối cắp sách đến lớp học tình thương. Được nhìn con đến trường là niềm mong mỏi từ lâu của anh nhưng do các con không có giấy khai sinh, không quốc tịch, nên không thể vào trường chính quy.

"Lớp học tình thương của các anh bộ đội như cứu cánh duy nhất cho tương lai của các con tôi. Ơn này không biết lấy gì mà đền đáp", anh Nghi ngồi trong căn chòi xập xệ nhà mình mà trải lòng.


Những thầy giáo quân hàm xanh ở Vành đai biên giới Việt - Cam: Ngày tuần tra, đêm gieo chữ cho bọn trẻ không quốc tịch - Ảnh 7.

Anh Nguyễn Văn Nghi rất trân quý tình cảm của các chiến sỹ ở đồn biên phòng Tuyên Bình.

Khi thấy học sinh nghỉ học nhiều ngày không lý do, các thầy lại đến từng hộ gia đình để hỏi thăm. Một số em bị ba mẹ bắt nghỉ học giữa chừng để tranh thủ đi làm thuê làm mướn kiếm thêm thu nhập, thầy Tam cùng các đồng đội đã động viên ba mẹ và các em tiếp tục việc học.

Những thầy giáo quân hàm xanh ở Vành đai biên giới Việt - Cam: Ngày tuần tra, đêm gieo chữ cho bọn trẻ không quốc tịch - Ảnh 8.

Những thầy giáo quân hàm xanh ở Vành đai biên giới Việt - Cam: Ngày tuần tra, đêm gieo chữ cho bọn trẻ không quốc tịch - Ảnh 10.

Cách Đồn biên phòng Tuyên Bình không xa là Đồn Biên phòng Bến Phố, đứng chân trên địa bàn xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An.

Xã có 6 ấp trong đó có 4 ấp biên giới. Ấp 2 là một trong những ấp biên giới nghèo của xã Hưng Điền A. Ấp có 228 hộ tương đương với 883 nhân khẩu thì có gần 7% hộ nghèo và cận nghèo. Cũng như những hộ dân ở xóm "Việt kiều", hàng ngày họ phải đi làm đủ nghề từ việc buôn bán nhỏ lẻ, làm thuê làm mướn, giăng lưới thả câu để sinh sống.

"Con chữ đối với những trẻ em ở các ấp này dường như là một điều xa xỉ", nghĩ như vậy, thiếu tá Nguyễn Văn Chính (SN 1970, Phó đội trưởng đội vận động quần chúng) đã tham mưu chỉ huy Đồn biên phòng mở lớp học tình thương đóng tại điểm trường tiểu học Hưng Điền A ấp 2. Nhà trường đã tạo điều kiện và bố trí một phòng học nhỏ gọn để có nơi cho thầy Chính và lũ trẻ đến lớp.

Những thầy giáo quân hàm xanh ở Vành đai biên giới Việt - Cam: Ngày tuần tra, đêm gieo chữ cho bọn trẻ không quốc tịch - Ảnh 11.

Thầy Chính - Phó đội trưởng đội vận động quần chúng ở Đồn biên phòng Bến Phố và tụi học trò nhỏ tập thể dục buổi sáng trước khi vào tiết học.

Có phòng học, có người dạy, nhưng làm sao để gia đình yên tâm gửi các em đến trường? Thầy Chính cùng Ban giám hiệu Nhà trường đã đến vận động từng nhà trên địa bàn. Từ năm 2014 đến nay, thầy đã 7 lần đi vận động và đã có 62 hộ gia đình lần lượt cho các em đến trường.

Bọn trẻ ở lớp học của thiếu tá Chính nhỏ nhất 6 tuổi, lớn nhất là 10 tuổi. Những ngày đầu "gặp gỡ", thầy không biết tiếng Campuchia, trò không hiểu tiếng Việt. Thầy và trò cứ thế giao tiếp với nhau bằng kiên trì và cảm nhận. Sau 3 đến 4 tháng đi học, các em dần nhận biết được mặt chữ và có thể gọi tên đồ vật bằng tiếng Việt.

"Mỗi bài tập đọc tiếng Việt, các em phải mất 3 đến 4 ngày mới nắm bắt được. Tôi chỉ là người lính biên phòng, xem bọn trẻ như con mình để dạy chúng bằng tất cả những gì mình có được chứ không bằng nghiệp vụ sư phạm đơn thuần. Nhớ lắm lần đầu tiên các em nói được tiếng Việt, nghe bọn nhỏ gọi một tiếng "thầy" mà lòng vui dữ lắm", thầy Chính kể.

Đối với thiếu tá Nguyễn Văn Chính, hạnh phúc khi đứng lớp là anh được nghe học trò gọi tiếng "Thầy ơi"

Những thầy giáo quân hàm xanh ở Vành đai biên giới Việt - Cam: Ngày tuần tra, đêm gieo chữ cho bọn trẻ không quốc tịch - Ảnh 13.

Rời vùng biên giới để đi ngược về Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Bến Lức, Long An, chúng tôi có cơ hội trò chuyện cùng Thượng úy Lê Văn Cuờng (SN 1992, Đội trưởng tổng hợp đảm bảo).

Sinh ra và lớn lên ở Quảng Trị, từ nhỏ, Thượng úy Cuờng đã có ước mơ được khoác màu xanh áo lính phục vụ trong quân ngũ. Anh cố gắng thi tuyển vào Học viện Biên Phòng và sau 4 năm, anh ra trường với quân hàm trung úy.

Những thầy giáo quân hàm xanh ở Vành đai biên giới Việt - Cam: Ngày tuần tra, đêm gieo chữ cho bọn trẻ không quốc tịch - Ảnh 14.

Thượng úy Lê Văn Cường

Tốt nghiệp, Thượng úy nhận nhiệm vụ công tác tại Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị. Công tác được 1 năm, khi biết tin có đợt tăng cường quân số cho các tỉnh phía Nam, anh đã mạnh dạn đăng ký và viết đơn tình nguyện. Cuối cùng, Thượng úy được điều động vào miền Nam và nhận công tác tại Bộ đội biên phòng tỉnh Long An, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Bến Lức.

Năm 2015, khi biết Lớp học tình thương ở khu phố 8 cần những tình nguyện viên thay nhau dạy các em nhỏ là con của công nhân nghèo trên địa bàn, anh đã đến xin được dạy dù chưa từng đứng lớp.

Nhớ lại những ngày đầu tiên đến lớp, thầy kể: "Ngày đầu đến lớp tôi rất luống cuống, không biết làm thế nào vì chưa bao giờ cầm phấn dạy học, cũng chưa bao giờ nghĩ mình trở thành thầy giáo. Sau thời gian trên lớp, tôi tự mày mò, tìm kiếm trên Internet rồi tìm hiểu qua các giáo viên để học cách truyền đạt, làm thế nào giảng dạy dễ hiểu cho các em".

Những thầy giáo quân hàm xanh ở Vành đai biên giới Việt - Cam: Ngày tuần tra, đêm gieo chữ cho bọn trẻ không quốc tịch - Ảnh 15.

Lớp học với 22 em học sinh nghèo không có điều kiện đến trường.

Muốn duy trì nhiều lớp hơn, Thượng úy Cường đã vận động các đồng đội của mình thay phiên nhau giảng dạy. Hiện đã có 4 chiến sỹ dạy liên tục các lớp từ thứ 2 đến thứ 6. Thấy em nào hoàn cảnh khó khăn không có tiền mua dụng cụ học tập, các anh lại bảo nhau cùng trích tiền lương mua bút, vở cho các em.

"Tổ chức lớp học đã khó, duy trì sĩ số còn khó khăn hơn nhiều, có em gia đình quá khó khăn phải phụ giúp gia đình. Bố mẹ không muốn các em đến lớp mà chỉ muốn đi bán vé số, có nhiều em phải bỏ học giữa chừng vì bố mẹ chuyển chỗ làm hoặc về quê. Những lúc như thế mình cũng buồn nhưng không nản, cùng ngồi lại với bố mẹ các em và hứa tạo điều kiện hết mức để các em được học chữ, và thế là chúng tôi "dụ" thành công", anh hào hứng kể lại.

Những thầy giáo quân hàm xanh ở Vành đai biên giới Việt - Cam: Ngày tuần tra, đêm gieo chữ cho bọn trẻ không quốc tịch - Ảnh 17.

Chúng ta đã từng xúc động với câu chuyện thầy Trần Bình Phục nơi Hòn Chuối, thì nay lại một lần nữa cảm phục tinh thần của thầy Tam, thầy Chính, thầy Cường... và chắc hẳn vẫn còn rất nhiều người thầy mang quân hàm xanh khắp địa đầu Tổ quốc đang ngày đêm mang cái chữ, kiến thức đến với những trẻ em nghèo. Chẳng cần một đồng thù lao nào, các anh dạy với trái tim và chỉ mong gieo được những mầm non khát khao tri thức.

Những thầy giáo quân hàm xanh ở Vành đai biên giới Việt - Cam: Ngày tuần tra, đêm gieo chữ cho bọn trẻ không quốc tịch - Ảnh 18.

Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Tập đoàn Thiên Long phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" triển khai trong giai đoạn 2015 – 2019 với nội dung tuyên dương các thầy giáo, cô giáo và những cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy, có nhiều cống hiến trong sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ.

Năm nay, chương trình sẽ tuyên dương 60 cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng làm công tác dạy học; vận động các em học sinh đến trường, có nhiều đóng góp vào sự nghiệp giáo dục ở vùng biên giới, hải đảo. Mỗi người sẽ nhận một sổ tiết kiệm 10 triệu đồng, bằng khen Trung ương Hội LHTN VN, biểu trưng của chương trình và các hình thức khen thưởng khác của Bộ Quốc phòng và Bộ Giáo dục - đào tạo.

Dự kiến lễ tuyên dương được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 tại Hà Nội. Trong tháng 9-2017, "Chia sẻ cùng thầy cô" đã trực tiếp thăm hỏi, động viên các cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng đang làm công tác giáo dục ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam.