img
Trung tướng Hữu Ước: “Đời tôi đã vĩnh viễn không thể bình yên” - Ảnh 1.

Trung tướng Hữu Ước: “Đời tôi đã vĩnh viễn không thể bình yên” - Ảnh 2.

Có một buổi chiều chập choạng, ở Toà soạn An Ninh Thế giới 100 Yết Kiêu, tôi gặp Trung tướng Hữu Ước đang dặn dò cậu cảnh vệ mua cho ông vài lạng thịt và làm cho ông món trứng rán. Giờ Hữu Ước không còn sống trong căn nhà mà ông từng sống cùng vợ ông lúc bà còn sống . Ông dọn hẳn về 100 Yết Kiêu, ngủ ngay tại căn phòng làm việc bao năm qua, và ăn hầu như mọi bữa tối trong tuần với mấy cậu lính cảnh vệ .

Sau ngày vợ ông mất, rồi sau khi ông về hưu, tôi đã nghĩ nhất định sẽ có lúc ngồi cùng ông để bắt đầu một cuộc trò chuyện thật dài, nhưng chưa bao giờ cảm thấy mình bị thôi thúc như buổi chiều hôm ấy...

Trung tướng Hữu Ước: “Đời tôi đã vĩnh viễn không thể bình yên” - Ảnh 3.

Tô Lan Hương: Thú thật là tôi đã muốn được phỏng vấn ông từ rất lâu rồi. Tôi không giấu rằng tôi rất tò mò và tôi đoán rất nhiều người khác cũng tò mò. Ai cũng muốn biết cuộc sống của Hữu Ước sau khi về hưu...

Trung tướng Hữu Ước: Và cả sau khi vợ tôi mất nữa, đúng không?

Tô Lan Hương: Vâng, và cả sau khi vợ ông mất nữa. Ai cũng dễ dàng nhận ra ông uống rượu nhiều hơn sau biến cố đó!

Trung tướng Hữu Ước: Đúng là tôi đã uống rượu nhiều hơn từ ngày đó.

Đó là đòn đánh mà tôi không bao giờ tưởng tượng được từ số phận! Có thể đôi khi sự chăm sóc thái quá của vợ tôi  khiến tôi cảm thấy bực bội và phiền toái. Nhưng tôi lại không thể nào hình dung được việc không còn sự xuất hiện của bà ấy trong cuộc đời mình!

Tôi có một thói quen kì lạ.

Dù tôi có đi ăn cơm khách cả 7 buổi tối trong tuần, thì vẫn phải về nhà ăn bát cơm vợ mình nấu mỗi tỗi mới thấy yên bụng; mỗi đêm đi ngủ phải có vợ mình nằm cạnh mới thấy ngon giấc.

Trung tướng Hữu Ước: “Đời tôi đã vĩnh viễn không thể bình yên” - Ảnh 4.

Tôi thậm chí không thể cho vợ tôi đi đâu xa và đi lâu quá một hai ngày. Vì mỗi ngày khi trở về nhà, không nhìn thấy vợ thì tôi không thể thấy yên tâm. Chỉ khi nhìn thấy vợ, tôi mới cảm thấy là gia đình mình vẫn ổn, con cái mình vẫn ổn, đời mình vẫn ổn...

Tô Lan Hương: Nhưng vợ ông đã ra đi thật bất ngờ...

Trung tướng Hữu Ước: Tôi đã thực sự suy sụp!

Tai nạn đến thật khủng khiếp, sự chia ly đến thật bất ngờ! Tôi không có cách nào hình dung được. 10 ngày đầu tiên sau khi vợ tôi qua đời, tôi đã không thể chợp mắt. Có những lúc nghĩ rằng không thể chịu đựng được, tôi còn đòi các con đưa bố vào bệnh viện tâm thần. Từ đó đến giờ, tôi không còn dám bước vào căn phòng của vợ chồng tôi, càng không có đủ can đảm ngủ trên chiếc giường của chúng tôi ngày trước.

Căn phòng ấy lạnh toát, chiếc giường ấy lạnh toát, tôi cứ bước chân đến cửa là tóc gáy dựng ngược lên.  Con trai con gái tôi cảm nhận được nỗi sợ của bố! Giường của vợ chồng tôi thì con gái tôi mang lên phòng nó ngủ. Phòng của vợ chồng tôi thì con trai ở. Còn tôi, tôi nằm ngủ trên ghế sofa, ngay cạnh bàn thờ vợ mình suốt một năm trời sau đó...


Trung tướng Hữu Ước: “Đời tôi đã vĩnh viễn không thể bình yên” - Ảnh 5.

Tô Lan Hương: Nhưng 5 năm đã trôi qua rồi, liệu ông đã học được cách để bình yên?

Trung tướng Hữu Ước: Đời tôi đã vĩnh viễn không thể bình yên, không thể cân bằng được nữa! Từ ngày vợ tôi mất, mỗi lần về nhà không gặp vợ, tôi ăn miếng cơm nào cũng thấy đắng ngắt.

Nhưng tôi cũng cố gắng dùng lý trí để kiểm soát cuộc đời mình bằng cách làm việc gấp đôi ngày trước. Mỗi tối, tôi viết lách bên cạnh một chai rượu, một cái điếu cày, học cho mình thói quen lao động đến kiệt sức rồi chìm vào giấc ngủ. Nhiều lúc thương nhớ vợ đến mức nước mắt cứ chảy ra, tôi buộc mình vùng dậy ngay, gạt nước mắt và ngồi viết. Những trang viết đã cứu rỗi cuộc đời tôi, giúp tôi lấy lại được đôi chút cân bằng. Không có những trang giấy, không có văn chương, chắc đời tôi giờ quặt quẽo lắm! 

Trung tướng Hữu Ước: “Đời tôi đã vĩnh viễn không thể bình yên” - Ảnh 6.

Tô Lan Hương: Ông có yêu vợ mình nhiều như vậy không khi mà vợ ông còn sống?

Trung tướng Hữu Ước: Dĩ nhiên là tôi yêu vợ mình. Nhưng tôi cũng là người đàn ông vô tâm. Tôi mải chạy theo quyền lực, chạy theo đam mê mà không dành đủ thời gian quý báu ấy để chăm sóc bà ấy.

Lúc vợ tôi qua đời, tôi mới nhận ra tôi không hề biết bà ấy thích ăn gì, mặc gì, tôi không nhớ được sinh nhật của bà ấy, cũng không lãng mạn để biết mua hoa, mua quà cho vợ. Luôn là vợ tôi chăm lo cho tôi từ miếng ăn đến giấc ngủ; cũng là vợ tôi đã chẳng ngại ra bãi giữa trồng ngô, nhọc nhằn nuôi con khi tôi vướng vòng lao lý ngày trước; là vợ tôi đã lo mọi chuyện đối nội, đối ngoại với họ hàng hai bên; là vợ tôi tạo nên sự kết nối giữa tất cả mọi người trong gia đình.

Và nếu có điều gì khiến tôi ân hận nhất, là tôi chưa từng cùng vợ mình có một chuyến du lịch tử tế và trọn vẹn. Duy nhất một lần nhiều năm trước, cả gia đình chúng tôi cùng nhau đi Đà Lạt do lời mời của một người bạn. Đà Lạt rất đẹp, bạn tôi tiếp đón rất chu đáo. Nhưng tôi là người nghiện công việc, tôi không thể chơi không, ngồi không mà chẳng làm gì. Vậy nên đến ngày thứ 2 của chuyến đi, tôi đã đứng ngồi không yên, tôi bảo  vợ: "Mấy mẹ con ở lại chơi, anh về trước làm việc". Thế mà vợ tôi cũng chiều theo ý tôi, tuyệt nhiên không hề trách móc.


Trung tướng Hữu Ước: “Đời tôi đã vĩnh viễn không thể bình yên” - Ảnh 7.

Tô Lan Hương: Tôi vẫn nhớ cách đây 5 năm trong đám tang của vợ ông, lời tiễn đưa cuối cùng, ông đã nói: "Con cháu anh sẽ thay em chăm sóc. Nội ngoại anh sẽ thay em chu toàn. Còn trái tim của anh chỉ dành để yêu em và thương em".

Rất nhiều người rơi nước mắt, nhưng lại không nhiều người tin rằng ông sẽ mãi chìm đắm trong đau khổ. Ông là Trung tướng Công an, là Tổng Biên tập, ông giàu có và quyền lực, xung quanh ông không thiếu các bóng hồng. Thật khó hình dung ông sẽ chấp nhận một cuộc sống cô đơn. Thế mà đến giờ này hình như tôi vẫn thấy ông đơn độc một mình!

Trung tướng Hữu Ước: Đúng là xung quanh tôi không thiếu những người đàn bà đẹp! Có thể làm bạn với nhau, nhưng yêu một người đàn bà khác, kết hôn với một người đàn bà khác, thì chắc là không bao giờ.

Thực ra là không có ai ép tôi cả, ngay cả từ trái tim tôi!

Trung tướng Hữu Ước: “Đời tôi đã vĩnh viễn không thể bình yên” - Ảnh 8.

Tôi không giải thích được, nhưng ở với bất cứ người phụ nữ nào ngoài vợ mình tôi cũng không chịu được. Người đàn bà có đẹp đến mức nào, nhưng sau khoảng một vài giờ đồng hồ cạnh họ là tôi thấy chán ngay. Dù họ có quyến rũ đến mấy, thì cuối cùng tôi vẫn chỉ muốn quay về với số phận của tôi. Không có ai ngoài vợ tôi là người khiến tôi mong muốn nhìn thấy mỗi ngày!

Tôi có những người bạn gái. Họ đều đẹp. Có cô nói với tôi: anh yêu em đi, chị mất rồi! Nhưng kể cả bây giờ hay trước khi vợ tôi mất, tôi cũng không bao giờ nói với ai ngoài vợ mình ba từ: "anh yêu em". Vì tôi là người lính, tôi không biết nói dối. Nên đàn bà xung quanh tôi, tôi không bao giờ để họ nhầm tưởng về tình yêu.


Trung tướng Hữu Ước: “Đời tôi đã vĩnh viễn không thể bình yên” - Ảnh 9.

Tô Lan Hương: Giờ thì hầu như ông sống và làm việc ngay tại 100 Yết Kiêu, tại chính căn phòng ông từng làm việc khi là TBT báo Công an Nhân dân. Ông không thiếu nhà để ở. Ông vẫn còn các con, các cháu. Sao ông lại sống một mình?

Trung tướng Hữu Ước: Sau khi vợ tôi qua đời, dần dần, tôi cảm thấy mình không thể sống nổi ở căn nhà đó nữa. Tôi khoá cửa nhà, viết di chúc để lại ngôi nhà cho cháu ngoại mình rồi dọn ra ngoài sống.

Thật ra thời gian đầu tôi ở cùng con trai. Nhưng tôi là lính tráng, sống dân dã quen rồi, ở nơi bóng lộn tôi không chịu được. Mà thời bây giờ, gia đình ai cũng vậy. Tôi hay nói vui, dâu thì dâu Tây, rể thì rể Tàu, gái thì gái Nhật, trai thì trai Mỹ, các con tôi không phải là không thương bố, nhưng bây giờ công việc quá nhiều. Ở với con cái thì tôi cũng chỉ có một phòng riêng. Giả sử đêm mình muốn viết mà mình phải đi khẽ,  uống rượu không dám ho sợ cháu mất ngủ, sáng dậy kẹt cửa cũng rón rén thì mệt lắm.

Nên tôi chọn cuộc sống lãng du, để cuộc đời của tôi bang giao thoáng đãng, trên đầu không có ai, dưới chỉ có đất, xung quanh chỉ có không khí, thuốc lào, giá vẽ, sống như vậy thoải mái hơn. Rồi mỗi ngày lại tạt qua nhà để tranh thủ chơi với cháu ngoại. Tôi thấy thế là đủ hạnh phúc.

Trung tướng Hữu Ước: “Đời tôi đã vĩnh viễn không thể bình yên” - Ảnh 10.

Tô Lan Hương: Nhưng ông biết không, khi tôi tình cờ chứng kiến ông - trong một buổi chiều tối - đứng dặn dò cậu cảnh vệ mua thịt, xào rau, tráng trứng, rồi tối tối ăn cơm với cảnh vệ thay vì gia đình, tôi thấy thật lạ lẫm và thật ám ảnh. Vì tôi quen nhìn thấy ông khi còn là TBT báo CAND, là Tổng cục phó Tổng cục III (BCA) với quá nhiều quyền lực và ảnh hưởng. Ông lẽ nào không thấy mình đang sống quá đơn giản so với vị trí mà ông vốn có?

Trung tướng Hữu Ước: Tôi thấy mình thanh thản đó chứ! Mỗi ngày tôi dậy sớm, thể dục, xem phim, đi cafe với bạn bè rồi về viết lách. Cũng có khi căn phòng này tôi ở cả tuần, chẳng đi đâu, chẳng gặp ai, chỉ xuống tầng gặp cậu cảnh vệ xem cơm nước có không thì ăn, không thì làm bát cháo 35 nghìn, uống cốc bia rồi lại về lao động. Tôi cứ động vào trang giấy là thấy hạnh phúc, quên đi mọi thứ, có cần gì nhiều nhặn đâu?

Tô Lan Hương: Lẽ nào ông chưa từng cảm thấy cô đơn?

Trung tướng Hữu Ước: Sao tôi lại không biết là mình cô đơn! Nhưng tôi là ai mà có quyền cưỡng lại sự định đoạt của số phận...


Trung tướng Hữu Ước: “Đời tôi đã vĩnh viễn không thể bình yên” - Ảnh 11.

Tô Lan Hương: Trong hai năm về hưu, ông đã làm được những gì?

Trung tướng Hữu Ước: Tôi làm được quá nhiều việc. Tôi cho ra đời được hai cuốn tiểu thuyết lấy chất liệu từ chính cuộc đời mình. Tôi cũng bận rộn với việc xây dựng khu văn hoá tâm linh ở Sóc Sơn. Giờ nó đã hoàn thành rồi. Tôi mở cửa cho ai thích vào thì vào chứ không thu tiền và thấy vui lắm vì mỗi ngày đón 500-700 người, và vui vì mình đã làm một điều có ý nghĩa.

Tô Lan Hương: Nhưng tiền đâu mà ông xây được một công trình lớn đến thế?

Trung tướng Hữu Ước: Tôi kêu gọi những người bạn là doanh nghiệp lớn như anh Vượng Vingroup, anh Tuyển Tuần Châu, anh Kiểm golf Long Thành, anh Lợi võng Duy Lợi. Họ biết tôi từ thời còn là TBT và thử thách tôi nhiều rồi. Họ hiểu tôi xin tài trợ 20 tỷ làm từ thiện thì sẽ dùng trọn vẹn 20 tỷ đó làm từ thiện. Nên giờ khi tôi về hưu, tôi đề nghị thì họ vẫn sẵn sàng, vì họ hiểu tôi sẽ dùng những đồng tiền đó một cách ý nghĩa chứ không mưu cầu cá nhân. 

Trung tướng Hữu Ước: “Đời tôi đã vĩnh viễn không thể bình yên” - Ảnh 12.

Tiểu thuyết thì hai tập đầu tôi đều bán được 5 vạn bản. Tôi đang viết nốt tập 3. Tôi lãi hơn 3 tỷ từ hai tập đầu phát hành!

Tô Lan Hương: Ông có biết nhiều người chửi mình không? Họ nói ông bán được tranh ông vẽ với giá cao, bán được tiểu thuyết ông viết với số lượng lớn là vì cái tên Hữu Ước chứ không phải vì tài năng của ông?

Trung tướng Hữu Ước: Tôi không đọc mạng, cũng không dùng facebook. Tôi miễn dịch với mọi lời khen chê.  Vì những lời khen chê đó không lấy mất của tôi điều gì.

Nhưng thật ra họ nói cũng chẳng sai. Có thể cùng là cuốn tiểu thuyết đó nhưng của người khác thì chỉ được 5-7 nghìn bản mà thôi. Trong làm kinh doanh,  người ta đánh vào sự tò mò. Nhưng quan trọng hơn cả sau từ tò mò ban đầu, họ vẫn tiếp tục mua sách của tôi cơ mà? Thế chẳng phải là tôi đã lan toả được điều đó hay sao?


Trung tướng Hữu Ước: “Đời tôi đã vĩnh viễn không thể bình yên” - Ảnh 13.

Tô Lan Hương: Nhưng mà sao tôi không thấy ông nhắc về những vụ kiện tụng ông phải đối mặt sau khi về hưu?

Trung tướng Hữu Ước: Những năm cuối cùng, tôi đảm nhiệm cương vị của 3 người tướng. Một là tướng phụ trách khối báo chí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng. Tướng thứ hai là TBT báo CAND. Tướng thứ 3 là TBT Truyền hình ANTV. Ba công việc này đều nặng, nhất là truyền hình bắt đầu từ hai bàn tay trắng. Thành ra, áp lực quá nhiều, nguy hiểm cũng không ít, nhất là xung quanh mình không phải không có những người đố kị, ghen ghét.

Trung tướng Hữu Ước: “Đời tôi đã vĩnh viễn không thể bình yên” - Ảnh 14.

Tôi không nghiêm trọng hoá đâu, nhưng nếu mình quyết định sai điều gì, thì kể cả là Trung tướng - Anh hùng gì chăng nữa thì cũng có thể đi tù như không. Và thực tế là có 3-4 cuộc thanh tra, kiểm tra, rồi đơn kiện các kiểu trước và sau khi tôi về hưu!

Tô Lan Hương: Vì sao ông bị kiện?

Trung tướng Hữu Ước: Vì nhiều lý do lắm. Có những trường hợp sai phạm bị tôi xử lý, họ quay lại kiện ngược tôi. Tôi hoàn toàn có thể thỏa hiệp nhưng tôi cương quyết không làm! Đứng trước tội ác tôi không bao giờ tha. Đứng trước cái xấu tôi không bao giờ thoả hiệp.

Làm sao tôi lại im lặng khi mà tôi có đủ bằng chứng về những tiêu cực trong đơn vị mình? Giống như mình đang vận hành một đoàn tàu vậy, thấy sai mà không sửa thì sẽ làm đổ cả đoàn tàu đó! Thế nên chị có tin không, có đơn kiện tôi chỉ vì tôi chấm thêm 4 triệu nhuận bút cho phóng viên đi tác nghiệp ở Trường Sa về.

Nhưng tôi chẳng làm gì sai thì lý do gì tôi lại không thể hiên ngang mà sống!


Trung tướng Hữu Ước: “Đời tôi đã vĩnh viễn không thể bình yên” - Ảnh 15.

Tô Lan Hương: Tôi còn nhớ dịp 21/6 của những năm về trước, khi ông còn là TBT  Báo Công an Nhân dân, phòng ông lúc nào cũng ngập tràn hoa, quà và nườm nượp khách khứa. Nhưng dịp 21/6 năm rồi khi tôi đến, ông chỉ có một mình...

Trung tướng Hữu Ước: Và chỉ có một, hai lẵng hoa đúng không... (Cười to)

Tô Lan Hương: Sự đối nghịch đến thế của cuộc sống trước và sau khi về hưu có khiến ông bị sốc?

Trung tướng Hữu Ước: Tôi hầu như đã quên việc đó rồi. Giờ kể cả những dịp đó không có hoa tặng, không có khách đến thăm, tôi cũng thấy là lẽ thường… Tôi nhận ra rằng, cái hạnh phúc nhất của người về hưu là có khi cả tuần không khách khứa, không có cả chuông điện thoại đổ, còn mình thì không phải động não, không phải giao tiếp những câu nói mà đáng ra mình không cần giao tiếp. Mà vì giờ tôi đã dồn hết tâm trí vào văn chương, nên tôi không có thời gian để nghĩ đến mấy chuyện vặt vãnh đó!

Trung tướng Hữu Ước: “Đời tôi đã vĩnh viễn không thể bình yên” - Ảnh 16.

Tô Lan Hương: Những người có địa vị thường khi về hưu mới thực sự biết được ai là người bạn, người anh em thực sự, ai là kẻ cơ hội lập tức quay lưng. Ông có  như vậy không?

Trung tướng Hữu Ước: Chẳng cần đợi đến lúc về hưu, khi làm việc tôi cũng đã phải va đập với quá nhiều những gương mặt phản bội.

Nhiều người nói rằng tôi dùng nhầm người. Tôi trả lời họ rằng không phải tôi dùng người nhầm. Trong giai đoạn tôi cầm quyền, tôi lãnh đạo hệ thống báo chí của ngành Công an, tôi biết rằng người này cũng chẳng tốt gì với mình đâu, nhưng người đó có tài thì tôi cứ sử dụng cái tài ấy. Chứ nếu mình cứ canh me rằng “anh này phải thật tốt với mình, mình mới dùng” thì là không đúng. Nếu anh có đao kiếm thì tôi cho anh tả xung hữu đột. Nhưng ngược lại, tôi vẫn cảnh giác với anh. Kể cả sau này anh có tốt quá với tôi đi nữa thì tôi cũng vẫn như thế thôi, mà nếu anh quay lưng với tôi, tôi cũng đã chuẩn bị tâm thế. Vì thế nên tôi không bao giờ hối hận về việc có những đệ tử, có những đàn em, những cánh tay phải tay trái phản bội mình!

Trung tướng Hữu Ước: “Đời tôi đã vĩnh viễn không thể bình yên” - Ảnh 17.

Tô Lan Hương: Nhưng đó là lúc ông còn đương chức. Ông có thể dùng ảnh hưởng để kiểm soát tất cả và họ sợ ông. Nhưng bây giờ khi không còn quyền năng đó nữa, ông làm thế nào để đối diện với sự thay đổi của lòng người?

Trung tướng Hữu Ước: Tôi chưa một giây phút nào nghĩ rằng tôi không còn quyền lực!

Đời tôi, cũng từng gặp những cấp dưới, những đàn em mà lúc còn đương chức, tôi nâng đỡ, coi như cánh tay phải tay trái, nhưng đến lúc về hưu đi ra ngoài phố ăn sáng gặp nhau mà không có một lời chào.

Người khác hành xử trong tình huống đó thế nào tôi không biết, nhưng tôi thì tôi đã gọi lại ngay:   ”Quay lại đây thằng kia! sao mày không chào anh? Anh hỏi mày anh có phải Thủ trưởng của mày không? Có xứng là anh mày không? Đã làm điều gì tệ với mày chưa? Vậy anh có xứng đáng cho mày chào không?".

Tô Lan Hương: Và chuyện gì xảy ra sau đó?

Trung tướng Hữu Ước: Anh nhân viên cũ đó chào tôi rồi biến mất, và sau đó cứ tình cờ gặp tôi ở những buổi tiệc tùng là lánh mặt! Họ vẫn "sợ" tôi thôi, không bằng cách này thì bằng cách khác, kể cả khi tôi không còn là TBT.


Trung tướng Hữu Ước: “Đời tôi đã vĩnh viễn không thể bình yên” - Ảnh 18.

Tô Lan Hương: Ông có nghĩ mình là người có tính cách vô cùng thú vị và bất ngờ không?

Trung tướng Hữu Ước: Sao chị lại hỏi thế?

Tô Lan Hương: Vì như câu chuyện ông vừa kể chẳng hạn, tôi không nghĩ nhiều người ứng xử như ông. Hay như chuyện tôi từng nghe kể về ông từ một người thân tín: có những văn nghệ sĩ rất ghét ông. Họ chửi ông suốt ngày trên mạng xã hội. Nhưng ngày hôm trước chửi ông, ngày hôm sau họ lại đến gặp ông xin tiền, rồi ngày hôm sau nữa lại tiếp tục chửi ông. Cứ như thế mãi, và ông biết cả, nhưng ông vẫn cho tiền họ. Sao ông lại làm thế?

Trung tướng Hữu Ước: “Đời tôi đã vĩnh viễn không thể bình yên” - Ảnh 19.

Trung tướng Hữu Ước: Bởi vì tôi đặc biệt yêu văn nghệ sỹ.! Thế hệ những người như anh Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng…  lớp nhà văn già ngày trước ở miền Nam - giờ họ mất cả rồi - nhưng hồi còn sống cứ ra Hà Nội là tôi biếu tiền họ mua vé máy bay hoặc để ăn nhậu. Tôi yêu họ vì họ cống hiến cho xã hội. Còn nhân vật trong câu hỏi của bạn - có thật đấy - nhưng tôi sẽ không nói tên.

Tôi nghĩ lớp người như ông ấy còn ít lắm, ông ấy đến chơi với mình đã là quá quý rồi. Mà ông ấy xin tiền tôi không phải vì ông ấy nghèo đâu, con cái ông ấy thành đạt cả mà ông ấy chẳng bao giờ lấy của con cái đồng nào.  Tính cách nhà văn lạ như vậy đấy. Ông ấy thích cầm tiền của tôi đi chiêu đãi bạn bè, nói "tiền thằng Ước đấy" . Đến đây có thấy chai rượu gì thì ông ấy lại cầm đi và khoe rằng "đây là của thằng Ước". "Đồ của thằng Ước” thì ông ấy vẫn dùng mà chửi thì ông ấy vẫn chửi. Nhưng tôi mừng vì ông ấy còn chửi. Không chửi tôi nữa thì chắc là ông ấy sắp chết rồi!

Mà nếu mai ông ấy mất thì tôi sẽ buồn lắm, bởi vì thế hệ đàn anh của tôi đi hết mất rồi...

Tô Lan Hương: Rõ ràng là ông quyền lực, ông thành công, nhưng tôi cũng thấy ông cô đơn quá. Ông từ một người rơi vào cảnh tù tội rồi trở thành Trung tướng - Anh hùng. Ông không thiếu phụ nữ nhưng giờ chỉ sống một mình. Ông có quá nhiều nhà, nhưng lại sống rất tạm bợ ở văn phòng làm việc. Sao cuộc đời ông lại mâu thuẫn đến thế?

Trung tướng Hữu Ước: Tôi rất tin là con người có số. Cái gì tới sẽ tới. Cái gì trời cho là được. Cái gì trời lấy đi thì đành. Như tôi bây giờ, đêm nằm ngủ với hai chiếc gối ở hai bên, xương cốt nhức mỏi, có những ngày thấy cô đơn ứa nước mắt. Nhưng tôi chấp nhận cuộc sống này, tự nhủ rằng mỗi  biến cố thăng trầm trong đời, mỗi người bạn tốt, mỗi vị ân nhân hay cả những kẻ phản bội mà tôi gặp đều sẽ là chất liệu cho văn chương của mình. Khi đắm mình vào trang viết, tôi có được sự yên bình!

Tô Lan Hương
Như Hoàn
nhatanhngx
Theo Trí Thức Trẻ31/10/2017

Theo Tô Lan Hương

Trí thức trẻ

Trở lên trên