1. Dòng sự kiện:
  2. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Kết quả kinh doanh

20 ngành độc quyền nhà nước: "Vì sao hạn chế tư nhân nhiều như vậy?"

(Dân trí) - Nghị định về hàng hoá, dịch vụ và địa bàn thực hiện độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại vừa được Bộ Công Thương đưa ra, có 20 ngành nghề độc quyền Nhà nước, không cho tư nhân tham gia đầu tư. Trong đó, đáng chú ý có hàng hoá, dịch vụ phục vụ mục đích quốc phòng, quản lý và khai thác đường sắt, xuất bản phẩm...

Theo TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM): "Thoạt nghe danh sách 20 ngành cấm nhiều người đã muốn đặt câu hỏi vì sao phải cấm và đâu là cơ sở để Nhà nước độc quyền quá nhiều ngành như vậy".

Các vấn đề liên quan đến đề xuất cấm 20 ngành nghề tư nhân không được tham gia cần phải giải thích rõ vì sao, đồng thời cụ thể hóa đến từng ngành hàng, từng chi tiết.

Chuyên gia kinh tế: TS Lưu Bích Hồ (trái) và TS Lê Đăng Doanh (phải)
Chuyên gia kinh tế: TS Lưu Bích Hồ (trái) và TS Lê Đăng Doanh (phải)

Cần làm rõ vì sao cấm cản quá nhiều

TS Doanh nói: "Hàng hóa, dịch vụ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh là những mặt hàng gì? Hiện nay hàng hóa này bao gồm cả quần áo, tư trang của quân nhân, các nước đã đều đặt hàng ở doanh nghiệp (DN) bên ngoài làm để cung cấp cho quân đội. Có nhất thiết chúng ta phải độc quyền những trang bị này không; liệu DN Nhà nước thì sẽ sản xuất tốt hơn DN tư nhân?"

Cũng về vấn đề này, TS Lưu Bích Hồ, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ KH&ĐT cho rằng: Những ngành liên quan đến quân đội nhưng cũng là dân dụng, may quân trang, quân dụng là lưỡng dụng, quân trang vẫn có thể đặt hàng tư nhân làm được tại sao cứ phải Nhà nước.

Theo lời ông Hồ, các nước có các tập đoàn sản xuất vũ khí tư nhân, Bộ Quốc phòng sau đó đặt hàng. Dĩ nhiên, ở Việt Nam không thể như thế được. Tuy nhiên, may mặc quân tư trang và thiết bị an ninh thì không cần thiết phải cấm, phải độc quyền.

Về lĩnh vực xuất bản, hai vị chuyên gia kinh tế đều phản bác quan điểm đưa lĩnh vực xuất bản vào ngành nghề cấm, cho dù không bao gồm lĩnh vực in và phát hành. Xuất bản hiện nay đã có quá nhiều quy định của pháp luật liên quan điều chỉnh từng hành vi, nội dung cụ thể.

Việc đưa xuất bản vào hoạt động cấm vô hình cản trở sự tự do thông tin trong điều kiện thông tin hoá, cơ chế mở của internet hiện nay. Rõ ràng vấn đề này phải được bàn thảo lại và đưa quan điểm từ nhiều phía thay vì chỉ có Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định bởi hiện nay khá nhiều DN, nhà xuất bản hoạt động trong lĩnh vực in ấn, xuất bản là DN trực thuộc các bộ hoặc ngành dọc nói trên.

Theo TS Lê Đăng Doanh, việc đưa xuất bản vào ngành độc quyền là "rất dở": "Hoạt động theo phải theo Pháp luật, cần có sự cạnh tranh. Độc quyền về vấn đề này là trái với tinh thần đổi mới, sáng tạo về kinh tế tại Nghị quyết Hội nghị 5 Trung ương vừa được thông qua tháng 6/2017".

Đường sắt ì ạch, độc quyền sẽ đi đâu, về đầu?

Một trong 20 ngành nghề độc quyền, cấm kinh doanh khác bị phản đối nhiều là quản lý, khai thác đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị. Theo đề xuất của Bộ Công Thương: Quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị do Nhà nước đầu tư.

Tuy nhiên, theo TS Doanh, vấn đề này cực kỳ thiếu logic trong tư duy phát triển. Với thực tại ngành đường sắt như hiện nay, độc quyền sẽ dẫn đến đâu? Đường sắt có sự đầu tư lớn, có hệ thống vận tải riêng, chiếm lượng đất đai lớn... song nhiều năm qua vận tải hành khách, hàng hóa của ngành này rất kém cạnh tranh thậm chí thua hẳn so với đường bộ, đường biển và hàng không.

"Không chỉ bất công, mất sức cạnh tranh mà độc quyền đường sắt sẽ không thể phát triển và hiện đại hóa ngành này. Tôi đề nghị cần đưa vấn đề này ra để các chuyên gia đóng góp ý kiến và cho biết xem là chủ trương này đã tiếp thu, cầu thị tinh thần của Hội nghị 5 Trung ương hay chưa?", TS Doanh nói.

TS Lưu Bích Hồ bình luận: Đường sắt có những đoạn đường sắt không hẳn là trục huyết mạch, tại sao lại không cho tư nhân làm? Tại sao đường bộ, đường biển, sân bay cho tư nhân làm BOT hay các hình thức hợp tác công tư khác (PPP) mà đường sắt lại không?

"Cần cân nhắc thêm, cái nào đích đáng thì độc quyền, ghi rõ cụ thể từng lĩnh vực, ngành hàng cái nào cần cấm chứ không thể ghi chung như vậy được", TS Hồ phản bác.

Tôi cho rằng, nếu mở rộng điều kiện cấm chỉ tạo độc quyền, kìm hãm sự phát triển và Nhà nước cũng không thu được lợi ích. Đường sắt đầu tư tại sao lại cấm? Phải giải thích rõ, liệu một mình ngành đường sắt bao năm qua có hiện đại hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ này không?

Ông Hồ nói luôn: "Khi nhiều DN tư nhân đang muốn tham gia vào đường sắt nội đô để giảm đầu tư từ ngân sách lại đi cấm, cản, bóp nghẹt ý chí của người ta, điều này rất không nên".

Nguyễn Tuyền