MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà đầu tư nước ngoài đặt hơn 1,2 tỷ USD mua cổ phiếu VPBank – kỷ lục chưa từng có và khó bị phá vỡ trong tương lai

16-08-2017 - 14:49 PM | Tài chính - ngân hàng

Ông Tô Hải, giám đốc VCSC cho biết khối lượng đặt mua VPB của nhà đầu tư nước ngoài rất lớn, lên tới 1,2 tỷ USD - điều chưa từng xảy ra trong quá khứ và trong tương lai cũng khó có thể lặp lại. Thậm chí có khoảng 500 triệu USD đặt mua VPB ở mức giá 44.000 đồng.

Tại buổi hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu VPBank ngày 15/8, ông Tô Hải, Giám đốc Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) - nhà tư vấn cho VPBank lên sàn - cho biết ngay từ khi bắt đầu bước vào dự án, so sánh tất cả các chỉ số trên thị trường thì ước VPBank định giá tối thiểu 2 tỷ USD. Khi bắt đầu làm tư vấn cho VPBank là tháng 3 thì chỉ số VNIndex mới chỉ hơn 600 điểm, sau đó tăng lên nên được định giá cao hơn.

Đó là câu trả lời của ông dành cho các nhà đầu tư hỏi về cổ phiếu VPB định giá ở mức 39.000 đồng có đắt quá hay không và có còn cơ hội nào cho nhà đầu tư hay không.

Ông Hải cho biết thêm, trong quá trình làm công tác dựng sổ, đơn vị tư vấn đã tiếp cận với hơn 80 nhà đầu tư nước ngoài và hầu hết họ đều đặt mua. Ông đã thốt lên rằng việc giới thiệu chào bán VPBank với nhà đầu tư nước ngoài “trong tương lai cũng khó mà lặp lại” với khối lượng đặt mua lên tới 1,2 tỷ USD. Ngay cả trong lịch sử, các ngân hàng và thị trường chứng khoán ở Việt Nam cũng chưa có công ty nào đạt được điều này, kể cả giai đoạn nóng năm 2007.

"Khi chúng tôi làm công tác chuyển sổ thấy rằng nếu chỉ quan tâm về giá của VPBank thì với 44.000 đồng họ cũng mua và cũng đã có tới gần 500 triệu USD đặt mua ở giá này. Nhưng sau đó bên tư vấn đã ngồi lại với ngân hàng để chốt lại rằng nên để cho nhà đầu tư có lợi nhuận, do vậy chúng tôi chốt lại ở mức giá 39.000 đồng tức vốn hóa tầm 2,3 tỷ USD" - ông Hải nói.

Đại diện đơn vị tư vấn đồng thời khẳng định, việc định giá 39.000 đồng không phải do VPBank hay VCSC đưa ra mà do thị trường quyết định. Đồng thời ông cho rằng room của giá cổ phiếu VPB vẫn còn nhiều để tăng.

Thị trường ngân hàng tài chính đang tạo ra khoảng cách ngày càng xa giữa các nhóm ngân hàng đầu và nhóm cuối. Ông Tô Hải cho rằng trong 4-5 năm tới có thể có các ngân hàng sẽ đạt vốn hóa thị trường trên 10 tỷ USD, và ông Hải tin rằng VPBank là 1 trong số ít các ngân hàng tư nhân (có thể chỉ khoảng 2-3 ngân hàng) đạt cạnh tranh với Vietcombank giá thị trường như vậy.

Về phía ngân hàng, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc cho biết bản thân ông và các lãnh đạo ngân hàng cũng bất ngờ khi có lượng nhà đầu tư lớn như vậy muốn mua cổ phiếu VPBank - gấp 4 lần so với khối lượng dự kiến chào bán.

Và ông thông tin thêm, đến thời điểm này đã có 78 nhà đầu tư đặt mua và chuyển tiền mua cổ phiếu. "Họ mua ở mức giá mà lúc đầu chúng tôi cũng không nghĩ như vậy. Chúng tôi tin rằng các nhà đầu tư nước ngoài không phải dễ thuyết phục. Họ đã tin tưởng đặt cược vào sự phát triển của VPBank,” ông Vinh nói.

CEO của VPBank cho biết thêm, để các nhà đầu tư nước ngoài quyết định mua cổ phiếu VPBank thì song song với quá trình đàm phán, ngân hàng cũng thu xếp cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, làm việc với các thành viên Hội đồng quản trị, công việc cụ thể của bộ máy đang làm để họ thấy được người thực, việc thực và sự phát triển thực sự của ngân hàng.

Trước băn khoăn của chúng tôi bên lề hội thảo rằng cơ cấu cổ đông của VPBank liệu có cô đặc quá hay không và có cơ hội nào cho nhà đầu tư nhỏ lẻ hay không sau khi cổ phiếu niêm yết trên sàn? Một lãnh đạo ngân hàng cho biết cơ cấu cổ đông thực sự không hề cô đặc, ngoài các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân, cổ đông nội bộ...thì nhà đầu tư nhỏ lẻ, vãng lai cũng đang sở hữu khoảng 15% cổ phiếu của nhà băng này.

Đề cập đến câu chuyện các nhà đầu tư nước ngoài đặt mua cổ phiếu với lượng lớn như bên tư vấn đã thông tin trước các nhà đầu tư, vị đại diện trên cho biết quả thực mọi chuyện không như dự tính và phải thuyết phục một số cổ đông hiện hữu giảm bớt tỷ lệ sở hữu để bán cho nhà đầu tư nước ngoài theo nguyện vọng của họ.

Trước ngày lên sàn, VPBank có 78 nhà đầu tư nước ngoài sở hữu hơn 22% vốn VPBank còn lại là nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong nước, không có nhà đầu tư nào sở hữu quá 5% vốn điều lệ. Trong nhóm cổ đông nội bộ, hiện ông chủ tịch HĐQT Ngô Chí Dũng cùng người nhà đang sở hữu 14,5% vốn VPBank, ông Lô Bằng Giang - phó chủ tịch HĐQT và người nhà sở hữu hơn 13,6%, ông Bùi Hải Quân - phó chủ tịch và người nhà cũng sở hữu lượng cổ phiếu tương đối lớn. Cá nhân ông Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh và cả người nhà không hề có một cổ phiếu VPB nào dù rằng ông đã gắn bó với ngân hàng một chặng đường không ngắn.

Theo kế hoạch ngày 17/8 VPBank sẽ niêm yết hơn 1,3 tỷ cổ phiếu trên HoSE với giá khởi điểm 39.000 đồng/cổ phiếu. Ở vùng giá này, vốn hóa của ngân hàng vào khoảng hơn 2,3 tỷ USD, dẫn đầu trong nhóm các ngân hàng cổ phần tư nhân hiện nay.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên