"Ăn cắp" mà được xử lý như vậy là quá sướng, đúng không ạ?

(Dân trí) - Ở Việt Nam thường hay có chuyện ngược đời. Ví dụ như câu chuyện kẻ cắp, móc túi có khi vài trăm ngàn đồng đã bị công an bắt giam, nhốt tù nhưng có những kẻ móc túi hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng thì lại nhởn nhơ, có bị phát hiện cũng chỉ bị phạt bằng 0,000… nào đó của số tiền mà họ kiếm được.


(Minh Họa: Ngọc Diệp)

(Minh Họa: Ngọc Diệp)

Chuyện rõ nhất mà có lẽ giờ ai cũng đã biết là Công ty Sam Media (trụ sở chính ở Hồng Kông) vừa rồi bị Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phát hiện đã thu lợi 230 tỷ đồng trong suốt 3 năm qua trong việc lừa gạt các khách hàng của 3 nhà mạng: Viettel, Vinaphone, Mobiphone sử dụng các dịch vụ giá trị gia tăng được cài lén qua việc sử dụng dịch vụ của 3 nhà mạng này.

Nhưng kết quả thì sao? Sam Media chỉ bị phạt 55 triệu đồng và mức phạt trên có bao gồm cả một số hành vi vi phạm khác chứ không chỉ ở hành vi "móc túi" trên.

Những đối tượng hành nghề "hai ngón" ngoài xã hội hẳn rất ngưỡng mộ về mức độ thành công của Sam media. Dù móc túi dân Việt Nam bằng "công nghệ cao", nhưng về bản chất đó vẫn là hành vi trộm cắp. Những kẻ hành nghề "2 ngón", nói vậy thôi, cũng phải luyện tập vất vả mới đạt được những kỹ năng rút ví, điện thoại... mà người ta không biết. Nhưng Sam Media và các nhà mạng, cách thức rút ví khách hàng của nhà mạng cũng không phải mới, nhiều năm nay rồi, báo chí nêu suốt, nhưng họ vẫn móc được hàng trăm tỷ đồng ngon ơ.

Nhưng kết quả là, chỉ bị phạt bằng mức vô cùng nhỏ so với số tiền thu được trong mấy năm như đã nói. Và vấn đề là, các nhà mạng cũng chối bỏ trách nhiệm liên quan. Họ đẩy trách nhiệm qua cho các công ty cung cấp dịch vụ đầu số nhắn tin ngắn và Sam Media, kẻ trục lợi.

Đương nhiên, chúng ta- người tiêu dùng đã quá dễ khi để tiền của mình hàng tháng chui vào túi Sam Media và nhiều công ty khác cũng đang kinh doanh dạng đó vì chúng ta đều tin vào thương hiệu của các nhà mạng VinaPhone, MobiFone, Viettel… Khi nhìn thấy thương hiệu của các nhà mạng xuất hiện trong mẫu quảng cáo trò chơi trúng thưởng của Sam Media, chắc rằng, phần lớn người ta mặc định tin rằng đây là chương trình hợp tác đã có sự xác nhận của nhà mạng.

Rõ ràng là trên website quảng cáo trò chơi trúng thưởng trên các thiết bị như máy tính bảng, smartphone, máy tính bảng cả cả các tấm thẻ cào điện thoại… vn-mozzi.biz/vn (do đối tác của Sam Media quản lý) không hề có tên các công ty cung cấp dịch vụ nhắn tin, chỉ có sự xuất hiện tên tuổi của bốn nhà mạng là VinaPhone, MobiFone, Viettel và Vietnamobile.

Bao nhiêu năm qua, hàng triệu khách hàng ngày ngày nhận được vô số tin ngắn vn-mozzi.biz/vn. Nhưng chúng ta không đổ các nhà mạng thì đổ cho ai khi cách thức đăng ký dịch vụ giá trị gia tăng do các đối tác của các nhà mạng cung cấp trên mạng di động quá đơn giản. Bất kể ai đó, chỉ cần tích một cái vào các mẫu quảng cáo (banner hoặc logo chương trình) là coi như đã ok , tôi đăng ký dịch vụ.

Thời gian qua, nhan nhản các chương trình khuyến mại, chơi game trúng thưởng, khuyến mãi đăng tải trên các website, Facebook… tận dụng cách thức đăng ký dịch vụ trên để lừa khách hàng tự đăng ký dịch vụ và trả tiền. Không chỉ có Sam Media, những công ty đối tác của các nhà mạng thường dùng thủ thuật để che giấu thông tin chi tiết về phí dịch vụ làm cho khách hàng các nhà mạng bị mất tiền mà không hay biết. Người dùng dịch vụ đã bị hút sự chú ý vào các món quà tặng mà không hề biết mình bị sa bẫy đăng ký dịch vụ và mất tiền.

Sau khi Dân trí đăng bài "Nhà mạng móc túi khách hàng và những lý sự cùn", trong đó nêu cách thức kiểm tra xem mình bị nhà mạng cài lén những dịch vụ gì (Mobifone thì nhắn KT gửi 994, Viettel thì nhắn TC gửi 1228, Vinaphone soạn TK gửi 123), đã có hàng ngàn độc giả gửi comment bày tỏ sự bàng hoàng vì họ đã thử nhắn tin và bị phát hiện hàng tháng mỗi người mất từ vài chục ngàn đến cả trên trăm ngàn cho các dịch vụ họ không hề dùng. Có những người tính ra bị "móc túi" hàng triệu đồng nhưng ngay cả việc huỷ dịch vụ đã bị lén đăng ký đó cũng khó khăn.

Sự không sòng phẳng, đàng hoàng của các nhà mạng hiện nay với khách hàng chính là ở những chỗ đó. Nếu như ở phần lớn các nước trên thế giới, khách hàng các Công ty viễn thông bao giờ cũng được hỏi trước: Có sử dụng dịch vụ này không thì mới kích hoạt. Nhưng ở Việt Nam, việc có những dịch vụ mà khách hàng bị lừa đăng ký rồi phải trả tiền như vậy, không thể nói gì hơn là hành vi "móc túi".

Các nhà mạng vẫn cố gắng thanh minh mình vô can. Nhưng bản chất, Sam Media hợp tác với ba công ty tại Việt Nam chuyên cung cấp dịch vụ nội dung (CP) của các nhà mạng VinaPhone, MobiFone, Viettel và Vietnamobile, thu lợi 230 tỷ đồng, thì các nhà mạng đều được chia tới 60-70% số tiền đó. Được chia tiền "móc túi" lại bảo mình vô can. Thật hết biết.

Theo thông tin từ Bộ Thông tin- Truyền thông mới được báo chí đăng tải ngày 5/10, 9 tháng đầu năm nay, các nhà mạng đều đạt mức doanh thu, lợi nhuận khủng, ví dụ như Mobifone lãi 4.347 tỷ đồng, Viettel lãi 32.400 tỷ đồng...Không biết, trong số lợi nhuận khổng lồ như vậy, có bao nhiêu tiền là từ tiền "móc túi" khách hàng thu dược, được chia bằng các thủ đoạn trên?

Một vụ việc nghiêm trọng như vậy, thế mà tới giờ vẫn chưa có nhà mạng nào đứng ra nhận lỗi, xin lỗi khách hàng và cam kết một sự đền bù, giải quyết hậu quả. Nếu như cơ quan quản lý nhà nước không ra tay, có lẽ câu chuyện này vẫn tiếp diễn trong thời gian tới. Nó có thể biến tướng, "móc túi" ở trình độ công nghệ cao siêu hơn? Có thể lắm, bởi lợi nhuận của việc này quá lớn, không phải chỉ 230 tỷ đồng mà có thể là hàng ngàn tỷ đồng. Vâng, "ăn cắp" mà được xử lý như vậy là quá sướng, đúng không ạ?

Mạnh Quân