1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Nguyên Chủ tịch Sabeco: Mục đích "ép" Sabeco lên sàn là gì?

(Dân trí) - Trước việc Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) "thúc" các doanh nghiệp lớn trong ngành bia lên sàn, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát (Sabeco) nói: "Thông tin của VAFI đưa ra công luận rất nhiều thông tin không đúng và mang ý nghĩa khác, không vì lợi ích nhà nước".

Nguyên Chủ tịch Sabeco Phan Đăng Tuất.
Nguyên Chủ tịch Sabeco Phan Đăng Tuất.

Trước đó, trong một văn bản công bố mới đây, Phó Chủ tịch VAFI Nguyễn Hoàng Hải cũng đưa ra một so sánh rằng, cách đây hơn 10 năm, Sabeco là doanh nghiệp lớn hơn nhiều so với Vinamilk, lợi nhuận Sabeco cao gần gấp đôi Vinamilk. Thế nhưng nay, lợi nhuận Vinamilk cao gần gấp 3 lần Sabeco. Sau hơn 8 năm cổ phần hóa, Sabeco và Habeco tăng trưởng rất chậm mặc dù tiềm năng phát triển là rất lớn.

Tuy nhiên, nguyên Chủ tịch Sabeco lại cho biết: "Năm 2015 Bia Sài Gòn nộp ngân sách Nhà nước tổng cộng 17.000 tỷ đồng trên tổng doanh thu khoảng 30.000 tỷ đồng với vốn theo nguyên giá là hơn 6.200 tỷ đồng. Kết quả là rất tốt. Trong khi do Vinamilk nộp ngân sách Nhà nước khoảng 7.500 tỷ đồng, doanh thu 40.000 tỷ đồng và vốn là khoảng 12.000 tỷ đồng".

"Về hiệu quả Bia Sài Gòn vẫn rất tốt nhờ thương hiệu và hiệu ứng tốt từ các chương trình marketing. Thực tế, Sabeco lợi nhuận gấp 3 Vinamilk nếu không phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và suy cho cùng doanh nghiệp vốn Nhà nước thì thuế hay lợi nhuận cũng quy về chỉ tiêu nộp ngân sách", ông Tuất nói.

Ngoài so sánh lợi nhuận giữa Sabeco và Vinamilk, VAFI cũng cho rằng, Bộ Công Thương cần nhanh chóng đề nghị Chính phủ cho phép bán toàn bộ vốn nhà nước tại Sabeco và Habeco theo hình thức đấu giá công khai tại Sở giao dịch chứng khoán. Đấu toàn bộ cổ phần nhà nước tại 1 lần đấu giá nhằm gia tăng tối đa giá trị tại Sabeco và Habeco. Không áp dụng việc mua bán thỏa thuận nhằm tránh tiêu cực, đồng thời tạo sân chơi cho nhiều nhà đầu tư lớn tham gia cạnh tranh giá.

Hiệp hội này ước tính, số tiền thu được dự tính trên 3 tỷ USD, đủ tiền để tiến hành ngay việc xây dựng tuyến đường sắt số 3, số 4 tại Thủ đô Hà Nội.

Tuy nhiên, theo ông Tuất: "Đề xuất của VAFI rất "bậy", đưa lên sàn rồi bán nguyên lô như thế không biết ai mua, và nhà đầu tư lớn sẵn sàng móc tay với nhau đặt giá thấp hơn mà vẫn mua được. Nguy cơ thứ 2 là khi bán xong như vậy không biết ai là người mua được thì liệu sau thương hiệu có giữ được không? Thứ 3 cổ phiếu mua đi bán lại ai kiểm soát, thương hiệu còn không hay một nhà đầu tư nước ngoài mua rồi xoá sổ thương hiệu đi bởi người ta muốn mua thị trường chứ không phải mua thương hiệu".

Ông Tuất cũng nhấn mạnh: "Tôi sẽ lên công luận chất vấn mục đích "ép" Sabeco, Habeco lên sàn làm gì. Hơn nữa, việc này là do Thủ tướng Chính phủ quyết định chứ Bộ chỉ là cơ quan trình thôi".

Phương Dung