Hủy
Hành trình khởi nghiệp Thứ ba, 16/2/2016, 19:20 (GMT+7)

Giám đốc Jupviec: 'Tôi từng tự xách đồ đi dọn nhà cho khách dịp Tết'

Vừa trải qua một cái Tết bận rộn khi cung cấp dịch vụ dọn nhà, Giám đốc Phan Hồng Minh cũng chia sẻ nhiều câu chuyện xung quanh ngành kinh doanh đặc thù này.  

JupViec.vn - nền tảng kết nối giữa khách hàng và người giúp việc vừa nhận đầu tư từ Quỹ đầu tư Nhật Bản - CyberAgent Ventures. Đây là công ty khởi nghiệp đầu tiên trong lĩnh vực này tại Việt Nam nhận đầu tư từ quỹ ngoại để mở rộng quy mô. Ông Phan Hồng Minh - Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Dịch vụ Nhà sạch HMC chia sẻ với VnExpress về câu chuyện khởi nghiệp cũng như những dự định kinh doanh tới đây. 

- Giúp việc, dọn nhà... vốn không phải dịch vụ mới tại Việt Nam. Tại sao ông lại chọn lĩnh vực này để khởi nghiệp?

- Hơn 3 năm trước, tôi nhận thấy đây vốn là thị trường tiềm năng, nhưng ít đơn vị làm chuyên nghiệp nên quyết định thành lập doanh nghiệp. Khi đó, công ty chỉ có tôi làm quản lý và 5 sinh viên thuê bán thời gian. Khi mới bắt tay vào làm, chúng tôi không có nghề nên cứ phải sửa đổi liên tục, sai đâu sửa đó và rút kinh nghiệm dần.

Thậm chí, do chưa có kinh nghiệm, khách hàng yêu cầu dịch vụ đến dọn nhà dịp Tết. Chúng tôi nghĩ đơn giản cứ có khách là tốt rồi, nhưng khi đó sát ngày người lao động bỏ về quê ăn Tết hết. Thế là tôi cũng phải xách đồ đến để dọn vệ sinh, lau chùi nhà cho khách.   

giam-doc-jupviec-toi-tung-tu-xach-do-di-don-nha-cho-khach-dip-tet

Ông Phạm Hồng Minh.

- Khó khăn nhất của công ty khi đó là gì thưa ông?

- Vấn đề kinh nghiệm về quản trị con người, lại là những lao động phổ thông nên ban đầu chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khi tôi bắt đầu công việc này cũng không còn trẻ nên mọi việc đều suy nghĩ chín chắn hơn. Vì vậy, có những thời điểm khá khó khăn nhưng tôi luôn nghĩ phải cố gắng bền bỉ trong vòng ít nhất 1-2 năm, làm việc mỗi ngày ít nhất 10 tiếng, chịu khó tập thể dục duy trì sức khỏe để ngày mai lại lao vào làm việc tiếp.

Cái khó nữa là loại dịch vụ này đôi khi khó cả đầu vào và đầu ra. Đa số người lao động trước đây làm nông nghiệp hoặc công việc tự do nên họ chưa có kỷ luật, trong khi khách hàng thì kỳ vọng quá cao. Trên thị trường, các trung tâm môi giới thường làm ăn chộp giật nên khách hàng cũng mất lòng tin. 

- Ông đã làm thế nào để đưa công ty vượt qua giai đoạn đó?

- Làm được một thời gian thì chúng tôi phải ngồi lại cùng nhau và nhận thấy, không thể kinh doanh theo kiểu ăn sổi được. Hơn nữa, khi muốn làm một cuộc cách mạng cũng không thể ôm đồm quá, phải lựa chọn mục tiêu. Có những thời điểm tập trung vào khách hàng, có thời điểm là người lao động, không phải một lúc làm được hết cả, phải chia giai đoạn và chọn điểm ưu tiên nhất để chạy đua. 

Có những lúc chúng tôi cũng bị người lao động hoặc khách hàng phàn nàn về chất lượng dịch vụ. Đó là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, chúng tôi đặt mục tiêu là phải luôn nỗ lực để con số đó ngày càng giảm đi. 

- Như ông đã nói, lĩnh vực này có rất nhiều đơn vị tham gia nhưng còn làm ăn chộp giật. Vậy cần làm thế nào để khác biệt?

- Gần đây, chúng tôi triển khai quay các video giới thiệu về từng ứng viên cho vị trí người giúp việc. Khó khăn nhất của việc này là thuyết phục người lao động đồng ý. Khi mới triển khai, chúng tôi như một mình đi ngược dòng vì có vài chục trung tâm là đối thủ đang hoạt động xung quanh. Nếu người lao động đến với họ thì chỉ cần mang chứng minh thư đến là có việc. Trong khi chúng tôi yêu cầu nào là hộ khẩu, xác nhận lý lịch, quay video và yêu cầu họ tham gia khóa đào tạo của công ty... Chúng tôi phải thuyết phục họ rất mất thời gian. Tuy nhiên, có như vậy mới tạo ra được sức cạnh tranh với dịch vụ khác trên thị trường. 

- Mới nhận được khoản đầu tư lớn từ nước ngoài, các ông sẽ làm gì với nguồn vốn ấy?

- Phần lớn số vốn được đầu tư chúng tôi sẽ sử dụng để nâng cao về công nghệ, cải thiện chất lượng dịch vụ, tăng nhân sự IT để tăng công cụ quản lý chất lượng công việc... 

Chúng tôi đang cân nhắc việc gia nhập thị trường TP HCM. Tuy nhiên, với một thị trường mới phải làm cẩn trọng. Lĩnh vực này không thể phát triển nhanh vì dịch vụ phải đi cùng chất lượng, vừa làm vừa thăm dò thị trường. 

- Đại diện CyberAgent Ventures, Inc. tại Việt Nam khi mới công bố thông tin về việc rót vốn cũng bày tỏ tham vọng mở rộng mạng lưới của Jupviec sang các nước trong khu vực Đông Nam Á. Cách kinh doanh dịch vụ giúp việc, vệ sinh ở nước ngoài khác gì so với Việt Nam thưa ông? 

- Thật khó so sánh khi cả người lao động và khách hàng ở thị trường trong khu vực đều khác xa so với Việt Nam. Khi tôi sang Singapore, tiêu chuẩn của họ để được thuê người giúp việc là phải có gia đình, không độc thân, tốt nghiệp một lớp của chính phủ tổ chức về việc sử dụng người lao động... Về phía người lao động thì các giấy tờ tùy thân, hộ chiếu... đều được chính quyền giữ lại, như một cam kết với khách hàng.

Ở một số quốc gia như Philippines, dịch vụ này phát triển như một nghề chuyên nghiệp và người lao động được tham gia các lớp đào tạo trong khoảng 6 tháng. Sau khoảng thời gian đó thì đã giúp thay đổi người lao động khá nhiều trong thói quen cũng như tác phong. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì không thể làm như vậy được vì một phần do doanh nghiệp sẽ không có đủ tiềm lực tài chính để đào tạo lao động đến nửa năm. Hơn nữa, bản thân người lao động cũng sẽ không chịu. 

- Ông có chia sẻ gì đối với những đơn vị khởi nghiệp đang muốn gọi vốn đầu tư?

- Doanh nghiệp cần phải chứng minh cho nhà đầu tư thấy thị trường của bạn đủ lớn, sản phẩm đủ tốt và đặc biệt, làm sao để họ tin vào đội ngũ nhân sự đủ máu lửa, gắn bó. 

Ngọc Tuyên